Đầu tháng 9/2013, Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Lâm Đồng đã chính thức nhận quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án Tái cấu trúc Công ty giai đoạn 2013 - 2015.
| ||
Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Hưng Trường Phát |
Theo đó, ngành nghề chính của Công ty sẽ là sản xuất và cung cấp nguồn nước sinh hoạt phục vụ đô thị và công nghiệp. Với vốn điều lệ 130 tỷ đồng, sau khi đã chuyển giao một số bộ phận cho đơn vị khác quản lý, Công ty sẽ phải thoái vốn đầu tư khỏi CTCP Dịch vụ du lịch Thung Lũng Vàng và CTCP Tư vấn cấp thoát nước.
Trong khi đó, theo thông tin mới nhất, sau nhiều lần thất bại trong việc thoái 10% vốn, tương đương 50 tỷ đồng theo mệnh giá tại CTCP Bảo hiểm hàng không (VNI) thông qua bán đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và chào bán thỏa thuận, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ tiếp tục chào bán toàn bộ phần vốn đầu tư tại VNI theo phương thức chào bán thỏa thuận.
Theo đó, Vinacomin chào bán 5 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu, giảm so với mức 11.000 đồng/cổ phiếu được chào bán bất thành giữa năm nay. Thời gian xác định kết quả chào bán là ngày 9/10.
Chưa biết kết quả sẽ ra sao, nhưng nhìn vào những động thái này, có thể thấy, Vinacomin đang nỗ lực tái cấu trúc. Công ty Cấp thoát nước cũng tương tự. Dù ở hai quy mô khác nhau, nhưng cùng là doanh nghiệp (DN) nhà nước, nên có thể nói, trên một khía cạnh nào đó, cả hai công ty này đang thực hiện tái cấu trúc theo “lệnh”.
Ngược lại, rất nhiều DN tư nhân, trong bối cảnh kinh tế khó khăn cũng đang vật lộn với tái cấu trúc, bởi họ hiểu, nếu không tự cải tổ, thì khó thể vượt qua giai đoạn mà chỉ trong 9 tháng đầu năm, đã có trên 42.000 DN phải giải thể, tạm dừng hoạt động.
Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ điển hình. Là một “ông lớn” trong khối DN tư nhân, nhưng trong cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư vào ngày 19/8 vừa qua, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đã phải công bố rằng, từ nay đến năm 2015, Tập đoàn sẽ phát triển dựa vào hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản. Riêng với dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi Tập đoàn, chỉ giữ lại dự án tại Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh.
Một cách thẳng thắn, ông Đức còn gọi đợt tái cấu trúc lần này là "rứt những đứa con thân thiết của mình ra đi". Rứt ruột tái cấu trúc là để tập trung vốn và nhân lực cho lĩnh vực cần thiết nhất, đồng thời giảm nợ của Tập đoàn xuống 10.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 13.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, vào đầu tháng 10 này, CTCP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn cũng công bố sẽ thanh lý vốn tại 2 dự án bất động sản; thực hiện chuyển nhượng vốn góp tại CTCP Vật liệu xây dựng; chuyển nhượng tiếp vốn tại Nhựa Kim Tín…
Tái cấu trúc, theo các chuyên gia kinh tế, là một cuộc chơi đau đớn, nhưng lại là bước đi cần thiết để các DN có thể tồn tại, phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Tái cấu trúc cũng là cách để DN chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo, một khi kinh tế hồi phục, để sẵn sàng đón đầu thị trường.
Nhưng tái cấu trúc không chỉ đơn thuần là thoái vốn, thu hẹp ngành sản xuất - kinh doanh, mà thậm chí, DN có thể phải đối mặt với nguy cơ phải bán mình. Xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) DN ngày càng tăng trong những năm gần đây, với quy mô thị trường năm 2012 lên tới 5 tỷ USD, là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.
Câu hỏi đặt ra là, DN nên sẵn sàng đón nhận đối tác mới hay khư khư giữ phần hồn của mình để tự xoay sở?
Một cách khôn ngoan, Công ty Bất động sản du lịch Ninh Vân bay đã chấp nhận bán 35,87% cổ phần cho Recapital Investments (Singapore) để có được khoản tiền 225 tỷ đồng hoàn trả một phần khoản vay ngân hàng, giảm bớt chi phí tài chính trong năm 2013, cũng như thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển kinh doanh khác.
Sabeco cũng khôn ngoan không kém khi quyết định “tự thân vận động”. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, Sabeco đã không nhắc đến kế hoạch bán cổ phần cho một đối tác chiến lược, dù trên thị trường bia của Việt Nam đang ở giai đoạn cạnh tranh vô cùng khốc liệt và ngày càng xuất hiện nhiều tên tuổi thương hiệu lớn từ nước ngoài đổ vào.
Tất nhiên, chuyện của Sabeco cũng có những ý kiến trái chiều. Nhưng có một điều chắc chắn, DN dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi tái cấu trúc. Vấn đề còn lại chỉ là, khi bắt tay vào thực hiện các hoạt động tái cấu trúc tài chính, DN cần phải tập trung, cần phải tỉnh táo để vạch ra lộ trình khôn ngoan, phù hợp và hiệu quả nhất.
Các kinh nghiệm tái cấu trúc DN sẽ được chia sẻ trong Chương trình CEO Chìa khóa thành công, với chủ đề Tái khởi nghiệp thời khủng hoảng - Tái cấu trúc tài chính, tuần này. Người chơi trong chương trình tuần này là ông Lê Văn Hưng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Hưng Trường Phát. Chương trình được phát sóng trên VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật (6/10) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (7/10).
Nguyên Đức