Điểm nóng
Tài chính cổ phần Handico với nỗi lo phát mại tài sản
Đỗ Mến - 21/01/2016 08:49
Không chỉ bị thiệt thòi vì phải tính lại lãi suất, Công ty Tài chính cổ phần Handico (Handico) còn lo ngại về vấn đề xử lý tài sản thế chấp, bởi những quan hệ pháp luật chằng chịt trong hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay có 2 quan hệ pháp luật liên quan là thế chấp và chuyển nhượng

Theo bản án sơ thẩm, ngày 27/5/2010, anh Trần Văn Dũng đã ký hợp đồng tín dụng vay vốn với Công ty Tài chính cổ phần Handico số tiền 4 tỷ đồng. Khoản vay có thời hạn 13 tháng, lãi suất 18%/năm, điều chỉnh lãi suất theo quy định tại hợp đồng tín dụng và tài liệu liên quan. Mục đích vay vốn thể hiện là kinh doanh mua nhà. Thực hiện hợp đồng, Handico đã giải ngân theo phương thức chuyển tiền vào tài khoản riêng của cá nhân anh Dũng.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay trên là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất gồm 250m2 đất ở và 100m2 đất vườn (địa chỉ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Hợp đồng thế chấp có công chứng, tài sản được đăng ký giao dịch đảm bảo.

Đến ngày 20/5/2015, bên vay đã thanh toán được hơn 3 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 1 tỷ đồng, nợ lãi là 1,6 tỷ đồng. Sau nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng khách hàng chây ỳ không trả nợ, Handico đã khởi kiện ra tòa.

Handico đã tính toán và buộc bên vay phải trả lãi và gốc tính đến ngày giữa năm 2015 là hơn 5 tỷ đồng. Cụ thể, nợ gốc là 2,5 tỷ đồng; lãi quá hạn là hơn 3 tỷ đồng. Cơ sở tính lãi là do hai bên tự thỏa thuận theo Luật Các tổ chức tín dụng. Handico viện dẫn bản Phụ lục hợp đồng, trong đó có điều chỉnh lãi suất theo từng kỳ hạn.

Phía bị đơn trình bày đối với hợp đồng này, anh chỉ là người ký hộ. Người vay thực sự là vợ chồng ông bà Trần Xuân Hùng (giám đốc Công ty Hồng Vân) để kinh doanh bao bì. Toàn bộ số tiền Công ty tài chính giải ngân, anh Dũng đã chuyển sang cho hai người này. Lời khai trên được ông Hùng xác nhận.

Trước yêu cầu khởi kiện của Công ty, anh Dũng đưa ra các phương án hòa giải nhưng không được chấp thuận. Bị đơn đã phản tố, đề nghị tòa công nhận giao dịch vay vốn giữa Handico và vợ chồng ông Hùng, đồng thời buộc họ thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nhưng sau đó, anh Dũng sửa lại nội dung trên và thừa nhận người ký hợp đồng là anh. Do vậy, anh Dũng chịu trách nhiệm khoản vay đối với Công ty.

Ngoài ra, bị đơn mong muốn tòa án xem xét lại cách tính lãi suất với lý do lãi suất áp dụng trong hợp đồng là cao và trái quy định pháp luật. Theo anh Dũng, chữ ký của anh tại phụ lục hợp đồng là giả mạo. Đồng thời, anh không nhận được bất cứ thông báo nào của Handico về việc điều chỉnh lãi suất. Vụ việc còn trở nên phức tạp hơn khi tài sản đảm bảo là mảnh đất của hộ gia đình và một phần đất (60m2) đã được chuyển nhượng cho người khác.

Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu của Handico, xác định tổng số tiền anh Dũng phải trả Công ty là hơn 2,3 tỷ đồng. Bản án này bị chính Viện Kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm kháng nghị và Handico kháng cáo. Theo đó, nguyên đơn không đồng tình với cách tính lãi suất theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giữ nguyên quan điểm khởi kiện như nêu trên.

Bên cạnh đó, Handico lo ngại về việc cho dù bản án có hiệu lực, vấn đề thi hành án sẽ gặp khó khăn, bởi lẽ trong phần mô tả tài sản đảm bảo có 2 quan hệ pháp luật liên quan là thế chấp và chuyển nhượng.

Xem xét toàn bộ bản án, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xác định đây là tranh chấp dân sự. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự, chữ ký của anh Trần Văn Dũng trong phụ lục hợp đồng và các tài liệu khác không đồng nhất. Bị đơn cũng khẳng định không nhận được thông báo điều chỉnh lãi suất. Bên nguyên đơn cũng không xuất trình tài liệu thông báo này.

Với các lý do trên, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên bác kháng cáo của Handico, đồng thời buộc bị đơn phải hoàn trả số tiền 2,4 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 1,5 tỷ đồng; lãi quá hạn là 559 triệu đồng. Trường hợp bị đơn không trả được nợ, Công ty tài chính có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại toàn bộ tài sản đảm bảo.

Tin liên quan
Tin khác