Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Tài chính tiêu dùng – nhiều dạng phạm tội
Vài năm gần đây, mảng tài chính tiêu dùng trở thành phân khúc đầy tiềm năng trên thị trường tiền tệ. Có ngân hàng, chỉ sau 1 năm tách mảng tài chính tiêu dùng hoạt động dưới pháp nhân riêng, lợi nhuận từ lĩnh vực này chiếm đến 40% tổng lợi nhuận của ngân hàng năm đó.
Thủ tục vay nhanh gọn, không yêu cầu phải chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, các khoản vay nhỏ để mua tài sản như xe máy, máy tính, điện thoại... có giá trị từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng đã thu hút số lượng lớn khách hàng tham gia.
Nhưng những khoản vay này cũng đem lại nhiều rủi ro. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có một số vụ việc được đưa ra cơ quan tố tụng với nhiều góc độ khác nhau. Có trường hợp rủi ro đến từ sự gian dối của khách hàng, có trường hợp nhân viên câu kết với các đối tượng bên ngoài gây ra thiệt hại cho công ty tài chính, có trường hợp chính cán bộ tín dụng chiếm đoạt tài sản của công ty…
Vào đầu năm nay, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử bị cáo Phạm Văn Quang, người sử dụng giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân của nhiều người để làm hồ sơ ký hợp đồng mua hàng trả góp, vay tiền của một công ty tài chính 100% vốn nước ngoài.
Bị cáo này đã thay ảnh của mình vào các giấy tờ như giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân của người khác và đến các trung tâm điện máy, các siêu thị lớn mua hàng và đề nghị cho vay trả góp. Nhiều hợp đồng đã thực hiện trót lọt và đối tượng này đã nhận tiền nhưng sau đó không trả lãi và gốc theo đúng thỏa thuận.
Lần cuối cùng, Phạm Văn Quang đến Công ty Điện máy xanh đề nghị cho mua hàng trả góp nhưng nhân viên bán hàng nghi ngờ nên đã kiểm tra trên hệ thống bán hàng của siêu thị thì thấy Quang đã sử dụng chứng minh thư nhân dân và giấy phép lái xe có dán ảnh của mình với nhiều tên khác nhau ký hợp đồng mua hàng trả góp ở các siêu thị trên địa bàn TP. Hà Nội. Thấy vậy, nhân viên bán hàng đã báo cáo với công ty và gửi đơn trình báo đến cơ quan công an. Kết quả là Quang bị bắt giữ ngay sau đó.
Không chỉ khách hàng, một số trường hợp ngay cả nhân viên của ngân hàng, công ty tài chính cũng là những đối tượng vi phạm pháp luật. Vẫn tại công ty tài chính 100% vốn nước ngoài nói trên, một nhân viên đã bị khởi tố điều tra hành vi lập khống giấy tờ, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Thông tin ban đầu cho thấy một nữ nhân viên của công ty tài chính được giao nhiệm vụ trực tại cửa hàng có hợp tác với công ty tài chính để tiếp nhận hồ sơ vay vốn của ngân hàng mua hàng trả góp. Trang có nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ của khách hàng để nhập vào hệ thống của công ty thông qua tài khoản cá nhân.
Lợi dụng nhiệm vụ, nữ nhân viên này đã dùng các chứng minh thư của khách hàng cũ và khách hàng không được duyệt, phô tô lại tên, địa chỉ của giấy tờ để làm thủ tục vay vốn mua hàng trả góp. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, trong thời gian làm việc, nhân viên này đã lập khống 43 hợp đồng tín dụng để mua hàng và bán ngay lấy tiền sử dụng cá nhân.
Một trường hợp khác, các nhân viên công ty tài chính đã cùng cấu kết với nhau, cấu kết với đối tượng bên ngoài làm giả các xác nhận thu nhập, sổ bảo hiểm nhân thọ để đưa vào hồ sơ tín dụng tiêu dùng. Nhóm nhân viên này được giao nhiệm vụ tiếp xúc, hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ vay vốn. Quá trình làm việc, các nhân viên này nhận thấy có một số khách hàng có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện vay vốn, không chứng minh được thu nhập, không có hợp đồng lao động, không có sổ bảo hiểm nhân thọ...
Để kiếm lời, nhóm nhân viên này cấu kết với các đối tượng bên ngoài để làm giả các chứng từ như sao kê tài khoản, sổ bảo hiểm nhân thọ... và “bán” cho khách hàng để thu lời. Ngót trăm chứng từ giả đã được “sản xuất” để đưa vào các hồ sơ vay vốn. Dù vậy, công ty tài chính không yêu cầu khắc phục thiệt hại và cho biết các khách hàng vẫn đang trả nợ đều đặn.
Trong các vụ việc này, công ty tài chính thỏa thuận sẽ cho khách hàng vay khoản tiền còn thiếu để mua sản phẩm tại các siêu thị. Khoản tiền cho vay nhiều hay ít tùy thuộc vào giấy tờ, khả năng thu nhập của khách hàng và khách hàng sẽ vay trả góp nợ gốc, nợ lãi sẽ tính lãi theo hợp đồng ký kết. Công ty tài chính tự phải thu hồi nợ và chịu thiệt hại nếu khách hàng không trả góp theo thỏa thuận.
Công nghệ có giúp phòng ngừa rủi ro?
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho rằng, những rủi ro trong cho vay tiêu dùng tín chấp là chuyện không tránh khỏi. Có rủi ro khách hàng không trả nợ và rủi ro liên quan đến vi phạm pháp luật của cả khách hàng lẫn nhân viên. Vay tín chấp thì rủi ro cao hơn, tương ứng với lãi suất cũng sẽ cao. Những sản phẩm an toàn hơn, như trái phiếu chính phủ thì lãi suất lại thấp. Tương tự, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có uy tín, nhiều ngân hàng muốn cho vay thì lãi suất phải thấp.
"Các khoản vay nguy cơ mất vốn cao, rủi ro nhiều, lãi suất cho vay thấp thì cũng khoảng 18 - 20%/năm, cao thì 30 - 40%/năm, thậm chí có thể lên tới 50 - 60%/năm. Bên cho vay chấp nhận rủi ro mất vốn nhất định và bù lại bằng lãi suất cao. Hơn nữa, khoản vay nhỏ cũng dễ xử lý, nếu có xảy ra vấn đề gì, số đông khách hàng khác đủ bù đắp. Trong khi cho vay sản xuất - kinh doanh, một khách hàng có thể vay vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng. Nếu xảy ra rủi ro, ảnh hưởng rất lớn", luật sư Đức cho biết.
Với các khoản vay nhỏ như vậy, quá trình cho vay không thể đòi hỏi thẩm định, theo dõi chặt chẽ như với khách hàng truyền thống bởi nếu mất nhiều thời gian, khách hàng không thể chờ đợi được. Vì vậy, công ty tài chính đều đưa ra các tiêu chí nhận dạng nhanh như tuổi tác, nghề nghiệp, hợp đồng lao động... và đưa vào máy tính chấm điểm theo một bảng điểm được định sẵn. Từ thông tin đơn giản như hóa đơn điện, nước có thể ước đoán được thu nhập của khách hàng.
Trong các vụ việc nêu trên, với hình thức mua hàng trả góp, khách hàng chỉ cần có giấy tờ cơ bản như chứng minh nhân dân, hộ khẩu và một số giấy tờ khác tùy trường hợp là đủ điều kiện xét duyệt. Thời gian xét duyệt rất nhanh, chỉ trong vòng một vài giờ đồng hồ. Do đó, các đối tượng lợi dụng, sử dụng giấy tờ của người khác hoặc làm giả chứng từ chứng minh thu nhập để lừa đảo.
Theo luật sư Đức, rủi ro là không thể tránh khỏi nhưng bên cho vay cần kiểm soát chặt chẽ, thận trọng, như thế sẽ hạn chế nhiều nguy cơ. Ví dụ, với chứng minh nhân dân, không phải cứ dán ảnh vào bất cứ chứng minh nhân dân nào cũng có thể sử dụng vào các giao dịch dân sự.
Có nhiều yếu tố nhận dạng để xem xét như giới tính nam nữ, độ tuổi già trẻ…, cơ quan công an đều phổ biến để nhận biết. Việc xem xét kỹ có thể phát hiện thật giả nhưng nếu nhân viên làm ẩu thì không tránh khỏi rủi ro. Bên cạnh đó, trường hợp nhân viên chủ động tham gia vào việc làm hồ sơ giả, giấy tờ giả thì thật khó phòng bị.
Dù vậy, luật sư Đức cho rằng, vẫn có thể áp dụng công nghệ để phòng ngừa thay vì để cho nhân viên đối chiếu, nhận diện thủ công vừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng, vừa rủi ro cho nhân viên liên đới chịu trách nhiệm hình sự. Biện pháp đơn giản là sử dụng dấu vân tay - những đường vân này tạo thành một nhân tố tự nhiên đặc trưng của mỗi người, khác biệt kể cả với các cặp song sinh giống hệt nhau, do đó xác xuất kiểm soát rất cao.
Đáng chú ý là thời gian qua nhiều khách hàng than phiền về việc đốc thúc thu hồi nợ trong mảng tài chính tiêu dùng của các tổ chức tín dụng. Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng một vụ việc khách hàng bị tính lãi suất rất cao, bị nhân viên công ty tài chính đòi nợ ráo riết, gọi điện liên tục và có lời lẽ bất lịch sự.
Theo Thông tư 43 ban hành cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quy định về việc thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật. Trong đó, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng từ 7h đến 21h và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.
Luật sư Đức cho biết, ở một số quốc gia, quy định này rất chặt chẽ, chẳng hạn như 1 ngày được gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, lời nói phải đúng mực... và có chế tài đi kèm để dễ dàng xử phạt người vi phạm.