Các quyết định của Fed có thể tác động đến thị trường ngoại hối do tác động của chúng đến giá trị của USD. |
Fed mạnh tay hạ lãi suất, nhưng không quay lại kỷ nguyên tiền rẻ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến các nhà giao dịch Phố Wall được một phen bất ngờ khi cắt giảm 0,5 điểm phần trăm (tức 50 điểm cơ bản), đưa lãi suất cơ bản về ngưỡng 4,75 - 5% vào rạng sáng ngày 19/9 theo giờ Việt Nam.
Quyết định giảm 0,5% lãi suất không nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan tham mưu chính sách tiền tệ của Fed, bởi Thống đốc Fed Michelle Bowman đã chọn phương án cắt giảm 25 điểm cơ bản.
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong 2 ngày 17-18/9 (giờ Mỹ), Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã gọi việc cắt giảm 50 điểm cơ bản là “sự hiệu chỉnh” chính sách của ngân hàng trung ương, đồng thời lưu ý rằng, cơ quan tiền tệ Mỹ sẽ tiếp tục ấn định lãi suất theo từng cuộc họp.
Đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay nói trên được cho là sẽ không đẩy rủi ro suy thoái kinh tế tăng cao. “Tôi không thấy bất cứ điều gì trong nền kinh tế hiện nay cho thấy khả năng suy thoái, kể cả (rủi ro) suy thoái tăng cao”, Chủ tịch Fed nhấn mạnh.
Tuy mạnh tay cắt giảm lãi suất, nhưng Chủ tịch Fed không mong đợi kỷ nguyên tiền rẻ sẽ quay trở lại.
“Theo trực giác, nhiều người sẽ nói rằng, chúng tôi có lẽ sẽ không quay lại kỷ nguyên mà có hàng ngàn tỷ USD trái phiếu chính phủ giao dịch ở mức lãi suất âm và trái phiếu dài hạn giao dịch ở mức lãi suất âm”, Chủ tịch Fed nói.
Bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Thị trường tài chính Psaros (Đại học Georgetown)
Chính xác hơn, mục tiêu hiện tại của Fed là giữ lạm phát ổn định, đồng thời đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp không tăng thêm. “Chúng tôi đang cố gắng khôi phục sự ổn định giá cả mà không gây thêm tác động đau đớn về tỷ lệ thất nghiệp đôi khi đi kèm với tình trạng giảm phát”, Chủ tịch Fed nói tại buổi họp báo.
“Cảm nhận của riêng tôi là chúng ta sẽ không quay lại thời kỳ đó”, ông Powell khẳng định.
Chính xác hơn, mục tiêu hiện tại của Fed là giữ lạm phát ổn định, đồng thời đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp không tăng thêm. “Chúng tôi đang cố gắng khôi phục sự ổn định giá cả mà không gây thêm tác động đau đớn về tỷ lệ thất nghiệp đôi khi đi kèm với tình trạng giảm phát”, Chủ tịch Fed nói tại buổi họp báo.
Người đứng đầu cơ quan tiền tệ Mỹ khuyến cáo các nhà đầu tư rằng, họ nên coi động thái cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản là dấu hiệu cho thấy “cam kết mạnh mẽ” của Fed trong việc đạt được mục tiêu đó.
Từ nay đến hết năm 2024, Fed còn hai cuộc họp chính sách, lần lượt vào ngày 6-7/11 và ngày 17-18/12. Cơ quan tiền tệ Mỹ dự kiến tiến hành thêm một đợt cắt giảm 50 điểm cơ bản lãi suất vào cuối năm nay.
Năm 2025, Fed dự kiến đưa lãi suất cơ bản về mức 3,4% sau khi cắt giảm thêm 1 điểm phần trăm. Đến năm 2026, lãi suất cơ bản dự kiến sẽ giảm còn 2,9% sau một đợt giảm 0,5 điểm phần trăm nữa.
“Không có gì trong SEP (Tóm tắt Dự báo kinh tế - BTV) cho thấy, Ủy ban (FOMC - BTV) đang vội vã thực hiện việc này”, Chủ tịch Fed khẳng định. “Quá trình này diễn biến theo thời gian”, ông Powell nói thêm.
Nắn chỉnh danh mục đầu tư là cần thiết
Quyết định của Fed được kỳ vọng sẽ châm ngòi cho làn sóng hạ lãi suất trên toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất để chống lạm phát trong vài năm trở lại đây. Trước Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa lãi suất tiền gửi về mức 3,5%, sau hai lần cắt giảm kể từ tháng 6/2024.
“Những hành động của Fed không chỉ giới hạn tác động ở Mỹ, chúng còn có tác động lan tỏa đến các khu vực khác trên thế giới”, bà Reena Aggarwal, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Thị trường tài chính Psaros (Đại học Georgetown), nhận xét.
Các quyết định lãi suất của Fed tác động trực tiếp đến thị trường ngoại hối do tác động của chúng đến giá trị của USD, bởi nó đóng vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu. “Các thị trường mới nổi bị tác động bởi phần lớn khoản vay của họ là bằng USD. Vì vậy, họ phải trả lãi và gốc bằng USD. Nếu lãi suất của Mỹ thay đổi, thì toàn bộ chi phí vay cũng sẽ thay đổi”, bà Aggarwal lý giải.
Trên thị trường tài chính, Fed hạ lãi suất là một kịch bản rất được mong đợi. Chứng khoán Mỹ đã nhảy vọt sau khi Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 đều cán mốc mới do nhà đầu tư kỳ vọng về một kịch bản “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế.
Cụ thể, Dow Jones lần đầu tiên vượt ngưỡng 42.000 điểm và kết thúc phiên giao dịch 19/9 với mức tăng 522,09 điểm (tương đương 1,26%) lên 42.025,19. Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng lần đầu tiên bước qua mốc 5.700 điểm khi tăng 1,7% và đóng cửa ở mức 5.713,64. Còn Nasdaq Composite tăng điểm mạnh nhất trong 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ với mức tăng 2,51% lên 18.013,98 điểm.
Câu hỏi lúc này là có nên tiếp tục dồn sức cho chứng khoán, trái phiếu trong môi trường lãi suất giảm?
Trên thực tế, phản ứng của các nhà đầu tư chứng khoán đối với động thái cắt giảm lãi suất của Fed thường khá khó đoán. Trong ngắn hạn, nó sẽ phụ thuộc vào việc liệu động thái của Fed có được coi là “khóa chặt” cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế, hay là dấu hiệu cho thấy Fed đang tụt hậu và có thể làm sụp đổ nền kinh tế. Còn về dài hạn, lãi suất thấp hơn có xu hướng đẩy thị trường chứng khoán lên cao vì các nhà đầu tư bị cám dỗ chấp nhận nhiều rủi ro hơn và sẵn sàng xuống tiền, trong bối cảnh lợi suất của các tài sản an toàn như trái phiếu chính phủ giảm.
Danh mục đầu tư truyền thống thường phân bổ theo hướng dành 60% vào cổ phiếu và 40% vào tài sản cố định, nhưng nay với làn sóng cắt giảm lãi suất rộng rãi trên thế giới vừa được Fed kích hoạt, thì việc điều chỉnh lại danh mục truyền thống 60-40 là cần thiết, theo khuyến nghị của bà Lauren Goodwin, chiến lược gia trưởng tại công ty quản lý đầu tư New York Life Investments (Mỹ) và bà Saira Malik, Chủ tịch công ty quản lý đầu tư Nuveen Equities and Fixed Income (NEFI). Bởi lẽ, “rủi ro tái đầu tư hiện là vấn đề lớn nhất và là mối đe dọa lớn nhất của nhà đầu tư”, bà Goodwin đánh giá.
Lo ngại suy thoái kinh tế sẽ xuất hiện “vào lúc nào đó” trong năm 2025, bà Malik gợi ý rằng danh mục đầu tư truyền thống 60-40 “nên điều chỉnh thành 50-30-20”, nghĩa là 50% dành cho cổ phiếu, 30% dành cho thu nhập cố định và 20% là các lựa chọn tài sản thay thế.
Còn ông David Kelly, chiến lược trưởng toàn cầu tại công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management, lưu ý rằng sau những giai đoạn vượt trội như trong thập kỷ qua, lợi nhuận từ danh mục đầu tư 60-40 đã giảm dần.
“Bạn (nhà đầu tư - BTV) phải có kỷ luật để bổ sung yếu tố quốc tế vào danh mục đầu tư vì chúng tôi cho rằng về lâu dài, điều đó sẽ mang lại cho bạn mức lợi nhuận tốt hơn”, ông Kelly nói. “Ngoài ra, hãy xem xét các kênh đầu đầu tư thay thế - những thứ như cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, một số lĩnh vực bất động sản, nếu bạn có thể tìm được đơn vị quản lý đầu tư phù hợp”.
Trong khi đó, bà Callie Cox, chiến lược gia thị trường trưởng tại công ty quản lý tài sản Ritholtz Wealth Management, đang tư vấn cho khách hàng để thay đổi danh mục đầu tư của họ và đồng thời hãy chuẩn bị đối phó với suy thoái kinh tế.
“Bây giờ là thời điểm để đầu tư vào các tài sản rủi ro, đặc biệt là nếu bạn là nhà đầu tư dài hạn và bạn có thể xử lý một số biến động mà chúng ta thấy”, bà Cox khuyến nghị.
Nếu Fed thành công trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế bằng các hành động lãi suất mạnh mẽ, ông Bryan Whalen, Giám đốc đầu tư tại “gã khổng lồ” quản lý tài sản cố định TCW, dự đoán “quỹ trái phiếu doanh nghiệp mà bạn đầu tư có thể sẽ mang lại lợi nhuận cộng hoặc trừ 5%. Điều đó là không tệ”.