Tuy nhiên, tiến trình “trở về” nói trên đang phải đối mặt với một tình thế khá nan giải, chứa đựng nhiều rủi ro. Đó là, cho tới thời điểm này, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về chuyển giao doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Có nghĩa là, chưa có các quy định pháp lý về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan ... trong quá trình thực hiện chuyển giao.
| ||
Nhiều doanh nghiệp từ Vinashin có tên trong danh sách chuyển sang các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể (Ảnh minh họa) |
Trong khi đó, chuyển giao doanh nghiệp từ đại diện chủ sở hữu nhà nước này sang đại diện chủ sở hữu nhà nước khác đòi hỏi phải xử lý hàng loạt vấn đề như vốn, tài sản, công nợ phải trả và phải thu, nhân sự, chế độ với người lao động, với cán bộ quản lý…
Thậm chí, trong bối cảnh hiện tại, khi việc chuyển giao thường được thực hiện nguyên trạng, không xử lý các vấn đề tồn tại trước khi chuyển giao, doanh nghiệp nhận chuyển giao sẽ phải gánh hàng loạt rủi ro khó có thể lường hết.
Đó là chưa kể các kế hoạch chuyển giao doanh nghiệp giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể sẽ vướng vào quy định của Luật Doanh nghiệp về việc không được giảm vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên…
Nhìn lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hình thức sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, duy nhất có Nghị định 109/2008/NĐ-CP (thay thế Nghị định 103/1999/NĐ-TTg) về giao, bán, cho thuê DNNN đề cập hình thức giao DNNN. Nhưng trong các văn bản này, chuyển giao DNNN được định nghĩa là chuyển giao sở hữu không phải trả tiền cho tập thể người lao động tại chính doanh nghiệp được giao, với một số điều kiện nhất định.
Cũng phải nói thêm, đây không phải là những trường hợp chuyển giao doanh nghiệp giữa các đại diện chủ sở hữu nhà nước đầu tiên. Cách đây 3 năm, 7 công ty con, 23 công ty “cháu” của tập đoàn này đã được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Vinalines, hay việc
chuyển giao EVN Telecom (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mới đây. Ngoài ra, trên 900 DNNN, bao gồm cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước, đã được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từ năm 2006 đến nay.
Thực tế nói trên đang đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng một khung khổ pháp lý nhằm hướng dẫn thực hiện việc chuyển giao doanh nghiệp một cách thống nhất, đúng mục tiêu của yêu cầu tái cơ cấu DNNN, đồng thời khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tái cơ cấu DNNN.
Bảo Duy