Thời sự
Tại sao lại phải quy định hạn điền?
Mạnh Bôn - 22/12/2022 09:16
Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp (hạn điền) là một trong những nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.

“Tại sao lại phải quy định hạn điền?”, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt câu hỏi.

GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường



Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc mở rộng hạn điền trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất?

Có tiến bộ hơn so với Luật Đất đai hiện hành. Cụ thể, theo Dự thảo, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp đối với mỗi loại đất. Như vậy, hạn điền đã tăng 150% so với hiện nay, từ 10 lần lên 15 lần.

Ông có đồng tình với đề xuất này không?

Là một trong những người tham gia xây dựng Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013, tôi luôn đấu tranh bỏ hạn điền vì việc hạn điền rất vô lý. Vô lý ở chỗ, luật không giới hạn với đất phi nông nghiệp, mà lại đi hạn chế việc tích tụ đất đai đối với đất sản xuất nông nghiệp.

Chính sự vô lý này đã dẫn tới người ta đầu cơ, tích tụ đất phi nông nghiệp, mua đi, bán lại kiếm lời, không tạo ra của cải vật chất cho xã hội, làm méo mó thị trường bất động sản mà vẫn hợp pháp. Trong khi đó, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân muốn tích tụ đất đai tập trung để sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thì phải tìm cách lách luật vì bị hạn điền.

Theo quy định, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long không quá 3 ha, các địa phương còn lại không quá 2 ha. Đối với đất trồng cây lâu năm thì mức hạn điền là 10 ha ở đồng bằng và 30 ha ở trung du, miền núi. Hạn điền, theo Dự thảo được gấp tối đa 15 lần, thay vì 10 lần như hiện nay là quá nhỏ nếu doanh nghiệp, cá nhân muốn đầu tư thiết bị, máy móc, cải tạo đất đai để sản xuất hàng hóa.

Cũng có thể, việc hạn chế tích tụ đất nông nghiệp là để tránh tình trạng nảy sinh ra tầng lớp địa chủ mới sở hữu đất đai “cò bay gãy cánh”, trong khi người nông dân lại “không tấc đất cắm dùi”, thưa ông?

Suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng này quá lạc hậu, kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Bởi trên thực tế tại các làng quê, rất nhiều người nông dân, nhất là lớp trẻ không muốn trồng trọt, chăn nuôi, nên đã nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nói thẳng ra là bán đất cho cá nhân, doanh nghiệp có khả năng đầu tư, khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn, còn họ đến các thành phố, đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, công trường, nhà máy để làm công nhân, tự chuyển đổi nghề nghiệp. Hoặc họ muốn làm “tá điền” trên chính mảnh đất của mình đã bán đi vì hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn, không còn phải “cầu trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày” nữa.

Thực tế, Nhà nước đã từng sử dụng ngân sách để “chuộc” lại ruộng đất cho những người nông dân đã nhượng quyền sử dụng đất. Thưa ông, nếu không giới hạn thì rất nhiều người nông dân sẽ bán hết đất nông nghiệp?

Trên thực tế, do đất đai ít lại manh mún, rất khó sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Vì thế, nếu như trước đây, người nông dân thay vì sản xuất nông nghiệp, “một nắng hai sương”, nhưng thu nhập rất thấp, người ta cho những người khác “thuê đất” để đi làm việc khác hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn. Song do chính sách hạn điền, giới hạn tích tụ ruộng đất nên người nông dân cũng không cho “thuê đất” được nữa, mà cho không người khác cấy vì nếu để đất hoang hóa sẽ bị thu hồi.

Không người nông dân nào muốn bị mất đất, mặc dù họ không trồng cấy, vì hy vọng sẽ có chính sách mới, hy vọng có doanh nghiệp hay khu công nghiệp, khu chế xuất nào đó đến để thu hồi đất nông nghiệp và họ được hưởng tiền đền bù. Những người không thể cho người khác trồng cấy trên diện tích đất nông nghiệp của mình được đành phải trồng lúa, mặc dù tất cả mọi công đoạn cấy cày, chăm bón, thu hoạch đều thuê hết, nên sản phẩm thu được cũng không rẻ hơn so với mua thóc ngoài chợ, lại còn gánh nỗi lo vào thân.

Như vậy, tư duy hạn điền không còn phù hợp nữa, thưa ông?

Đúng vậy. Đây là tư duy “người cày có ruộng” của những năm 50-60 của thế kỷ trước. Kể từ khi đất nước mở cửa nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường đã 3 lần sửa đổi Luật Đất đai (năm 1993, 2003 và 2013) mà vẫn không bỏ được tư duy về hạn điền. 

Tư duy về hạn điền, về “người cày có ruộng” không còn phù hợp với cơ chế thị trường, không phù hợp với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, dịch chuyển thị trường lao động và càng trở nên lỗi thời trong kỷ nguyên kỹ thuật số như hiện nay. Thực tế, rất nhiều người được giao đất nông nghiệp nhưng không muốn làm ruộng vì hiệu quả quá thấp, nên người ta tự chuyển đổi nghề nghiệp, công việc, kể cả đi làm phụ hồ mỗi ngày cũng kiếm 300.000 - 500.000 đồng, hơn rất nhiều so với trồng lúa. Trong khi không ít doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn có nhiều ruộng đất để đầu tư vào nông nghiệp với thiết bị, công nghệ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến hiện đại nhằm nâng cao giá trị nông sản lại không đủ diện tích đất để làm.

Vậy tại sao cứ giao đất nông nghiệp cho những người không muốn làm nông dân với thời hạn sử dụng đất tới 50-70 năm, thưa ông?

Cái này do lịch sử để lại. Đã chót giao đất với thời hạn 50-70 năm rồi, không thể thu hồi lại được, tại sao lại không cho phép người ta chuyển quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã mong muốn đầu tư vào nông nghiệp.

Phải xem lại chính sách hạn điền mới phát triển được nông nghiệp, vì sản xuất nông nghiệp phải có những cánh đồng mẫu lớn mới có thể đưa khoa học kỹ thuật, cây con mới vào canh tác, mới tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như thị trường xuất khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm.

Tin liên quan
Tin khác