Chỉ 1,5% doanh nghiệp Việt Nam có sự nghiên cứu sâu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đây là số liệu được các diễn giả đưa ra tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế TP.HCM, với chủ đề về nâng cao năng lực tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU) thông qua EVFTA được tổ chức hồi cuối năm 2019.
Còn đầu tháng 07/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) không biết EVFTA.
Tại sao hoạt động truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các Hiệp định thương mại nói riêng chưa hiệu quả, là 1 trong 6 câu hỏi Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đặt ra tại hội nghị "Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)" được tổ chức sáng 06/08.
Với vai trò người đứng đầu cơ quan đầu mối thực thi EVFTA tại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng dù được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn có thể làm tốt hơn.
Theo đó, cần đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa về hình thức tuyên truyền và chuyên môn hóa về nội dung, hướng tới từng đối tượng cụ thể khi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với hơn 97% thuộc nhóm SMEs.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản (VASEP), ở cấp độ này dù có sự quan tâm nhưng doanh nghiệp không có nguồn lực để dùng mối quan tâm thành kim chỉ nam, dữ kiện trong việc sản xuất, kinh doanh hàng ngày.
VASEP vừa phối hợp cùng Bộ Công thương và Bộ NN&PT NT “bóc tách” EVFTA để rút ra được 212 mặt hàng có thể hưởng thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 08/2020 và nhanh chóng cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng đồng tình quan điểm về nhu cầu doanh nghiệp chỉ quan tâm một vấn đề hoặc mảng nhỏ liên quan đến đặc thù kinh doanh của mình.
Thế nên, dù doanh nghiệp đã cử hàng loạt nhân sự ở nhiều phòng ban khác nhau tham dự các Hội nghị, hội thảo về EVFTA với kết quả là “nghe thì hay nhưng về lại không biết cần triển khai điều gì”.
“Thời gian tới, các Bộ ngành cần đi vào chiều sâu. Thay vì phổ biến, tuyên tuyền thì nên tổ chức tập huấn, đối thoại, toạ đàm với từng ngành hàng cụ thể”, ông Hưng nêu và kiến nghị, Bộ Công thương cần khai thác thêm kênh mạng xã hội khi cập nhật thông tin, thay vì chỉ dùng kênh truyền thống như website của Bộ.
Công nhân sản xuất cúc áo được xuất khẩu đến EU, Mỹ, Nhật Bản,...tại Công Ty TNHH Nút Áo Tôn Văn, tỉnh Bình Dương (Ảnh minh hoạ: Lê Toàn). |
Ghi nhận các ý kiến, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã có kế hoạch hành động với 5 nhóm nhiệm vụ gồm 41 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA qua các chương trình hành động và dù nhiều cách làm hiệu quả nhưng phải chú ý tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
Trong đó, Bộ Công Thương được giao là cơ quan đầu mối, là “nhạc trưởng” điều phối các nỗ lực thực thi EVFTA, tránh dàn trải nguồn lực.
Đi liền với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông, không chỉ phổ biến các thông tin chung chung, mà phải nâng cao nhận thức về các thách thức, cơ hội của EVFTA.
Đặc biệt là các hướng dẫn cụ thể, phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, thông qua các hình thức trực tuyến để tiếp cận được nhiều doanh nghiệp hơn.
“Chúng ta nên suy nghĩ có cần xây dựng đường dây nóng, trang web hỏi đáp, tư vấn nhanh cho doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.