Cơ chế đặc thù chưa có tiền lệ
Theo Quyết định 2072/QĐ – TTg ngày 8/11/2013, cơ cấu nguồn vốn tại 5 dự án đường cao tốc trọng điểm do VEC đầu tư là Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và Bến Lức – Long Thành sẽ có những điều chỉnh đáng kể so với phương án đầu tư đã được duyệt.
| ||
Cầu Long Thành trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Anh Minh |
Cụ thể, thay đổi lớn nhất chính là, Chính phủ cho phép chuyển đổi toàn bộ phần vốn ODA; vốn đối ứng ODA; vốn ứng ngân sách nhà nước; vốn trái phiếu công trình đã phát hành thành vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp vào 5 dự án xây dựng đường cao tốc có chiều dài 540 km. Theo tính toán của VEC, các khoản vốn trên lên tới 106.245 tỷ đồng.
Với sự điều chỉnh này, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trực tiếp tại Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình (thông xe từ tháng 6/2012) là 49%; Dự án Nội Bài – Lào Cai (thông xe quý II/2014) là 29,5%; Dự án TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (thông xe cuối năm 2014) là 63,05%; Dự án Bến Lức – Long Thành (hoàn thành năm 2017) là 60,5%; Đà Nẵng – Quảng Ngãi (hoàn thành năm 2017) là 60,7%.
“Bộ Giao thông – Vận tải xây dựng phương án tái cơ cấu khả thi cho từng dự án cụ thể, phê duyệt lại quyết định đầu tư của 5 dự án theo cơ cấu nguồn vốn đã được điều chỉnh như trên sau khi có ý kiến thẩm tra của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức và hoạt động của VEC sau khi tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án với mục tiêu kép là: đảm bảo hiệu quả và tiếp tục huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước cho các dự án cao tốc khác.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, về bản chất, VEC là tổng công ty nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư hệ thống đường cao tốc quốc gia, nên việc Nhà nước tham gia góp vốn trực tiếp, dù với khối lượng rất lớn vẫn không làm thay đổi tính chất của các dự án, cũng như tỷ lệ nợ công.
Theo tính toán, với cơ cấu nguồn vốn mới, 3/5 dự án của VEC sẽ đảm bảo tính khả thi về tài chính với thời gian hoàn vốn dao động trong khoảng 17 – 32 năm. Riêng tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Đà Nẵng – Quảng Ngãi do tổng mức đầu tư quá lớn, lưu lượng xe không cao, nên với mức hỗ trợ nói trên, Dự án vẫn cần thêm sự bù đắp của Nhà nước để xử lý các khoản vay đến hạn.
Tháo nút thắt tái cơ cấu VEC
Được Thủ tướng Chính phủ cho thành lập từ tháng 9/2004, VEC là đơn vị tiên phong thí điểm mô hình doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hoàn vốn trong lĩnh vực đường cao tốc. Tuy nhiên, do chỉ được Nhà nước cấp 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ, nên sau khi thu xếp xong vốn cho 5 dự án đường bộ cao tốc, VEC đang là đơn vị nhận nợ công lớn nhất nước.
Do được Thủ tướng Chính phủ cho phép tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án, tổng vốn do VEC vay và chịu trách nhiệm hoàn vốn và lãi vay vào khoảng 57.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, tỷ lệ nợ trên vốn điều lệ của VEC vào năm 2017 (khi cả 5 dự án đưa vào khai thác) là 1/57, giảm gần một nửa so với khi chưa được tái cơ cấu vốn.
Như vậy, ngoài việc rút ngắn thời gian hoàn vốn của Dự án, tổng nợ mà VEC phải nhận cho 5 dự án giảm xuống, đồng nghĩa với việc, đơn vị này có thêm dư địa để tiếp tục huy động vốn đầu tư cho các dự án đường cao tốc khác.
Trước đó, tại Thông báo số 426/TB – VPCP ngày 26/12/2012 của Văn phòng Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ cho ý kiến về mô hình tổ chức, hoạt động và các vấn đề tài chính của VEC, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì mô hình đi đôi với việc xây dựng cơ chế đặc thù, nâng cao năng lực tài chính cho VEC.
“Căn cứ phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với phương án tái cơ cấu, cùng với việc đảm bảo tiến độ, chất lượng 5 dự án, Bộ sẽ xây dựng mô hình tổ chức quản lý và hoạt động của VEC nhằm sử dụng hiệu quả, tiếp tục huy động được các nguồn vốn trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng cho biết.
Anh Minh