Tháng 5/2013, tại Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp thế giới, cơ quan lập pháp tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh (47/49 chức danh) do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
| ||
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý |
“Sự kiện này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông trong và ngoài nước và được cử tri đánh giá rất cao. Bởi đây là kênh đánh giá cán bộ hiệu quả, khách quan đối với một bộ phận cán bộ cao cấp cũng như hoạt động của nhiều cơ quan quản lý nhà nước”, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu.
Tuy nhiên, theo ông Lý, lấy phiếu tín nhiệm là công việc chưa có tiền lệ nên cần phải đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 trên tinh thần vẫn tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm, phát huy hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo ông Lý, năm 2014 có thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hay không phụ thuộc vào việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.
“Lấy phiếu tín nhiệm là bước tiến dài trong hoạt động giám sát của cơ quan lập pháp, được dư luận trong và ngoài nước cũng như cư tri đánh giá rất cao. Nếu bây giờ chúng ta đột ngột công bố dừng lấy phiếu tín nhiệm có thể dư luận xã hội cũng như cử tri có đánh giá ngược lại, thậm chí có cả ý kiến suy diễn”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ quan điểm.
Đồng tình với việc tạm thời dừng lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 7, nhưng theo ông Phúc, các cơ quan chức năng cần phải giải thích cho cử tri biết chỉ là tạm dừng để Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13, còn năm 2015 trở đi có tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm không, lấy mấy mức tín nhiệm, đối tượng nào cần lấy phiếu tín nhiệm sẽ do Quốc hội quyết định khi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 tại Kỳ họp thứ 7 tới đây.
Đánh giá hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại các địa phương, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, quy định lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn không phù hợp với thực tế.
“Trên thực tế, ở địa phương, chỉ có giám đốc sở kế hoạch và đầu tư, sở công an, sở tài chính… là thành viên của UBND (chức danh do HĐND phê chuẩn), còn giám đốc các sở, ngành khác không phải là thành viên của UBND, nên không được lấy phiếu tín nhiệm là không phù hợp”, ông Phước phát biểu và đề nghị khi sửa Nghị quyết 35/2012/QH13 phải đưa tất cả các chức danh lãnh đạo đầu ngành ở địa phương vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm.
Còn ở Trung ương, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong cơ quan lập pháp cũng không phù hợp.
Ông Hiển cho biết, trên thế giới, các nước chỉ bỏ phiếu tín nhiệm đối với toàn thể nội các hay một vài thành viên nội các chứ không có tiền lệ bỏ phiếu tín nhiệm với cả chức danh dân cử. Vì vậy, khi sửa Nghị quyết 35/2012/QH13 cũng phải xem xét giảm số lượng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đối với cơ quan dân cử.
“Đồng ý với đề nghị tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13, nhưng cần phải tuyên truyền, giải thích để dư luận xã hội và cử tri hiểu vì sao phải tạm dừng”, ông Hiển Lưu ý.
Nhìn lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm 2013, ông Ksor Phước nhận định, các chức danh bên hành pháp đạt số phiếu tín nhiệm cao thấp hơn bên lập pháp là do tính chất công việc bên hành pháp phải trực tiếp xử lý các công việc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân nên dễ va chạm, dễ sai sót trong khi cơ quan lập pháp xử lý công việc gián tiếp nên ít để xảy ra sai sót hơn. Vì vậy, cần giảm bớt chức danh dân cử khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm lần sau.
“Khác với bên hành pháp là cơ chế thủ trưởng chịu trách nhiệm trước công việc trong phạm vi, chức năng của mình, bên lập pháp là làm việc tập thể, người đứng đầu cũng chỉ là một thành viên của cơ quan và phải chấp hành nghị quyết của tập thể nên việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với chức danh bên lập pháp là không phù hợp”, ông Hiển nói thêm về quan điểm bỏ bớt một số chức danh bên lập pháp khi lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dư luận xã hội, truyền thông đặc biệt quan tâm đến sự kiện lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội về việc đánh giá, tổng kết kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội cũng như HĐND, sau đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 và thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết mới.
“Làm như vậy vừa thực hiện được quan điểm của Bộ Chính trị; vừa không gây sốc, không gây hiểu lầm trong cử tri và dư luận xã hội; vừa bảo đảm cơ quan dân cử thực hiện quyền giám sát đối với cá nhân một số lãnh đạo cũng như cơ quan, tổ chức do họ đứng đầu”, bà Ngân để xuất.
Mạnh Bôn