Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Bình Thuận |
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Bình Thuận là một trong những đại biểu đầu tiên đăng đàn trong ngày làm việc đầu tiên của phiên thảo luận tại Hội trường.
Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội dành 2 ngày (27, 28/10) thảo luận về 3 nội dung: - Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. - Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Khi phát biểu góp ý cho các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023, đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ đề nghị Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả một vấn đề.
Đó là tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức, kể cả cán bộ quản lý.
"Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn hội đồng xét xử", đại biểu Thông chuyển tải tâm tư của các cán bộ, công chức tới nghị trường.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên có nhiều, nhưng theo đại biểu Thông, có 2 nguyên nhân chính.
Một là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đối với vấn đề này, áp dụng quy định này thì đúng, lúc kiểm tra, kiểm toán, điều tra lại sai; áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra lại sai...
Trong đó, sợ sai nhất là xác định giá đất, theo đại biểu Thông.
Vấn đề sợ nhất được giải trình là theo quy định hiện hành, giá đất được xác định theo các yếu tố giả định, nên khó chính xác.
Vấn đề là, cơ sở để giải quyết dứt điểm đang thiếu. Ông nhắc lại phiên chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16/3/2022 đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến đấu giá đất. Tham gia làm rõ ý kiến của đại biểu tại phiên làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu là phương pháp xác định giá đất, giá khởi điểm theo quy định tại Nghị định 44 và Thông tư 36 (30/6/2014) của Bộ Tài nguyên và Môi trường là không chính xác, đề nghị phải sửa.
"Tuy nhiên, đến nay, các quy định trên vẫn chưa được sửa. Trong khi đó, ở nhiều địa phương có nhiều dự án lớn, rất lớn cần xác định giá đất để chuẩn bị đầu tư. Nếu Chính phủ không có giải pháp quyết liệt, việc thực hiện mục tiêu 2023 sẽ khó hoàn thành", đại biểu Thông thẳng thắn.
Là người bấm nút tranh luận đầu tiên của Phiên thảo luận, nhưng đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quang Nam lại muốn bổ sung thêm ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quang Nam |
"Tôi đồng ý nhận định về tình trạng sợ sai của công chức, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, phục vụ nhân dân. Nhưng nếu chỉ nói nguyên nhân do vướng mắc trong chính sách pháp luật là chưa đủ”, ông Tạ Văn Hạ tranh luận.
Nguyên nhân chính, theo ông vẫn là do con người, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Ông kể, qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận thấy có một số nhóm người như sau. Có những người có năng lực hạn chế, đúng là sợ làm. Với những người có năng lực, nhưng ý thức, tinh thần còn hạn chế, nên nghe ngóng, né tránh. Còn đối tượng thứ ba khi tôi đặt câu hỏi là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu đã có nhiều năm, sao những năm trước không thấy vướng như bây giờ. Có một số trả lời là vì trước làm đã không đúng, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm, nếu giờ vẫn làm thế thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề, nên giờ cầm chừng, không dám làm.
“Thủ tướng họp ngày, họp đêm, nhưng ở dưới thì lại có tư tưởng như vậy, Chính phủ cần phải làm rõ”, đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám (Komtum) cũng nhắc tới tình trạng từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Đại biểu Tô Văn Tám, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon tum |
"Hiện tượng chuyển dịch này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá và hoàn thiện quản trị của mình", đại biểu Tô Văn Tám chia sẻ quan điểm.
Cụ thể, ông đề nghị một số việc cần làm như thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết cái việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch. Hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý.Quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc.
Đặc biệt, ông Tám nhấn mạnh yêu cầu cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.