Bộ Công an tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Bùi Mạnh Lân (trái) và ông Phạm Văn Hướng. |
Theo Bộ Công an, khi điều tra vụ án "gây rối trật tự công cộng" xảy ra năm 2000, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố và ủy thác cho Cơ quan Cảnh sát điều tra công an Tiền Giang điều tra.
Kết quả xác minh sau đó xác định, việc cơ quan công an bắt tạm giam ông Bùi Mạnh Lân tổng cộng 41 ngày, bắt tạm giam ông Phạm Văn Hướng tổng cộng 63 ngày mà “không có lệnh hợp pháp”. Tới nay, Bộ Công an xác định ông Lân, ông Hướng thuộc trường hợp được xem xét giải quyết theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước nên chính thức tổ chức xin lỗi công khai 2 doanh nhân này.
Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/2003, Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” tại Công ty Gas Bình Dương (trụ sở tại KCN Đồng An 1 - Bình Dương) do Công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư xảy ra vào tháng 9/2000.
Ngày 29/4/2003, ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng bị Bộ Công an phối hợp với Công an TP.HCM và Công an tỉnh Tiền Giang thi hành lệnh bắt để điều tra. Và từ lá đơn tố cáo thiếu căn cứ của Giám đốc Công ty Gas Bình Dương, cơ quan điều tra ghép ông Lân và ông Hướng “có quan hệ với nhóm tội phạm Năm Cam” và xem vụ việc 2 ông là “Chuyên án Năm Cam giai đoạn 2”.
Quá trình điều tra vụ án “gây rối trật tự công cộng” trên, Thiếu tá Nguyễn Văn Nên - nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Nguyễn Tuyến Dũng - điều tra viên, thuộc Công an tỉnh Tiền Giang, lợi dụng việc điều tra án, đứng ra “giải quyết” tranh chấp khu đất 23.383 m2 đất giữa vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cư - Huỳnh Thị Thu, với Công ty Hưng Thịnh, trong khi vụ tranh chấp đang được tòa án thụ lý giải quyết. Nên và Dũng đã ép ông Lân phải trả đất cho vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Cư - Huỳnh Thị Thu để họ trả 5,2 tỷ đồng cho ông Lân. Sau đó, Nên và Dũng mang tiền trên đi gửi ngân hàng lấy lãi bỏ túi.
Ngày 27/8/2003, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với ông Lân cùng 2 người khác trong vụ án. Ngày 16/8/2004 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Lân, ông Hướng và 5 người khác.
Hai ông Lân - Hướng đã gửi đơn đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra vụ án của một số cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang.
Qua xác minh, ngày 7/6/2011, Cục điều tra hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một số cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng dẫn đến việc bắt, giam giữ người trái pháp luật xảy ra tại Bình Dương.
Hiện Nguyễn Tuyến Dũng đang thụ án 4 năm tù. Còn Nguyễn Văn Nên bị tâm thần phải vào bệnh viện chữa trị nên toà chưa xét xử.
Trong cuộc gặp với phóng viên trước ngày Bộ Công an tổ chức buổi xin lỗi công khai, 17 năm rồi, nước mắt người oan ức vẫn ứa ra, âm giọng còn u uất có khi lạc đi nhiều lần. Nhưng rồi ông Lân cũng nghẹn lại mà kết “Tôi chỉ mong, đừng bao giờ xảy ra chuyện như vậy nữa, với người dân, với doanh nghiệp…”.
“Giờ này, sau 17 năm bị bắt sai (bị bắt năm 2003-PV), tôi vẫn không thể quên được, thậm chí không tưởng tượng được. Tôi đang làm chủ cả 1 khu công nghiệp, mới hôm trước còn ngồi ăn cơm với lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hôm sau thì.... Đó là vào chiều thứ ba, khi chúng tôi đi công việc về công ty, bất ngờ hàng chục cảnh sát ập vào, bao vây công ty, đọc lệnh bắt tôi và anh Hướng với cáo buộc cả hai chủ mưu trong vụ án gây rối 3 năm trước. Sự việc xảy ra quá bất ngờ và nhanh, mọi thứ như sụp đổ. Khi ấy con trai tôi mới hơn 11 tuổi”, giọng ông Bùi Mạnh Lân nghẹn lại, dù câu chuyện giữa chúng tôi chỉ mới bắt đầu!
Doanh nhân Bùi Mạnh Lân |
Nghe chuyện ngày trong trại giam ông từng tự tử?
Đúng, không chỉ 1 mà tới 2 lần. Anh tưởng tượng được không, lúc ấy một người như tôi được bạn bè, xã hội xem trọng, đang mang hết tâm huyết của mình ra xây dựng kinh tế, được chính quyền tin cậy. Vậy mà chỉ chốc lát, trở thành kẻ nằm trong “Chuyên án Năm Cam giai đoạn 2”, bị nhốt chung với những kẻ giang hồ như Hải “bánh” (Nguyễn Tuấn Hải, một trùm giang hồ dưới trướng Năm Cam - PV); bị vu oan, xỉ nhục… Lần đầu, khi phòng giam không có ai, tôi xé quần áo bện làm dây, treo lên xà nhà rồi đưa cổ vào, nhưng sợi dây bị đứt. Lần 2 là lao đầu vào bể nước, nhưng cũng không… được chết!
Trước khi ông bị bắt, Công ty Hưng Thịnh và Khu công nghiệp Đồng An 1 ra sao?
Tôi lập Công ty Hưng Thịnh năm 1994, tới năm 1997 thành lập Khu công nghiệp Đồng An 1. Năm 2003, tại khu công nghiệp đã có tới 81 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD và trên 1.500 tỷ đồng, với hơn 15.000 công nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Và khi ông bị bắt giam?
Thời điểm đó, một doanh nghiệp vào thuê đất ở đây khoảng 600.000 USD/ha. Khi xảy chuyện, có hàng chục chủ doanh nghiệp ký đơn xin cho tôi. Nhưng cũng có hơn 10 công ty đã thuê đất hủy hợp đồng. Thậm chí có 1 doanh nghiệp nợ mấy chục tỷ đồng thì trốn luôn không trả. Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Mà lúc đó, tôi đã đầu tư vào khu công nghiệp này gần 1.000 tỷ đồng rồi. Ngân hàng lúc đó cũng đóng băng các khoản vay. Vụ án Năm Cam chấn động như vậy, vụ việc mình bị xem là “chuyên án Năm Cam giai đoạn 2” thì còn ai dám cho vay.
Công ty Hưng Thịnh lúc đó ra sao?
Như rắn mất đầu vậy. Lúc đó vợ tôi phải đứng ra thay tôi lèo lái. Tới tháng 7/2003 vợ tôi phải làm đơn xin gặp chồng để ủy quyền bán tài sản là căn nhà chung thuộc sở hữu của chúng tôi nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn về mặt tài chính của gia đình… Nhưng khi “rắn mất đầu” thì muôn vàn chuyện khác xảy ra. Thậm chí, sau này về tôi phát hiện, người ta còn thoải mái ăn bớt xén đến từng zem mái tôn nhà xưởng, tức tiền mua tôn dày 5 zem, lại chỉ mua loại 3 zem.
Khi được trả tự do, ông cứu Công ty và vận hành khu công nghiệp ra sao?
Tháng 4/2003, tôi bị bắt giam, tới tháng 9/2003 được trả tự do, tức bị bắt tổng cộng 41 ngày. Khi tôi được thả, mọi người mới vỡ òa, niềm tin mới lấy lại và sau 5 năm, tới năm 2009, Khu công nghiệp Đồng An 1 đã lấp đầy. Trong giai đoạn đó, năm 2007 tôi thành lập tiếp Khu công nghiệp Đồng An 2, năm 2008 thành lập Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An. Năm 2007, tôi nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2009 nhận danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu năm 2009” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam trao tặng.
Trong suốt những năm đó, tôi vẫn tự mình đi tố cáo hành vi sai phạm của những người liên quan, minh oan cho chính mình, cho anh Hướng (Phạm Văn Hướng, Phó tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh), anh Đỗ Cao Bằng (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Gas Bình Dương) cùng bị bắt giam chung vụ việc.
Có những tháng, ngày tôi lo tiếp đối tác, xử lý hàng trăm việc liên quan điều hành vận hành phát triển khu công nghiệp, đêm là bay ra Hà Nội để sáng hôm sau mang đơn làm việc với cơ quan Trung ương. Anh có tưởng tượng được hình ảnh một người chủ cả 2 khu công nghiệp tiếng tăm ở Bình Dương lò dò, lếch thếch đến cơ quan chức năng ngoài Hà Nội để kêu… Gần 17 năm như vậy! Giờ này, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các cơ quan trung ương đã giúp tôi lấy lại danh dự.
Ông nghĩ gì về việc Bộ Công an lần đầu tiên tổ chức buổi xin lỗi công khai ngay tại trụ sở của doanh nghiệp?
Tôi phải cảm ơn chính Cơ quan điều tra của Bộ Công an quan tâm tới oan sai của chúng tôi, đã thấy việc làm trước đây của chính người trong ngành mình là sai và đứng ra xin lỗi công khai ngay tại khu công nghiệp Đồng An 1 này, bởi việc bắt giam chúng tôi mà “không có lệnh hợp pháp”.
Tôi chấp nhận lời xin lỗi! Tôi không cần bồi thường (vì nếu cơ quan làm sai bồi thường thì cũng lấy từ tiền thuế của dân), cho dù tôi đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, bị đau đớn về thể xác, tinh thần; mất mát về uy tín, danh dự trong suốt 17 năm qua.
Tôi mong muốn cơ quan tố tụng phải chỉn chu lại, làm việc cho đúng pháp luật, không được bắt giam giữ người trái phép như đã xảy ra với tôi và phải xử lý nghiêm, theo luật pháp đối với những cá nhân đã vu khống, giam giữ chúng tôi trái quy định của luật pháp. Pháp luật phải công bằng, nhất là lúc này!