Thời sự
Tâm trạng công chức thực thi
Bảo Duy - 04/08/2022 08:12
Nếu không đảm bảo 99,9% an toàn, công chức thực thi sẽ không làm, dù biết sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tình trạng sau chuyến đi thực tế hơn 10 địa phương trên cả nước hơn 1 tháng qua của ông, với nhiều lo ngại.

Ông Cung kể, đã làm chuyên gia về cải cách môi trường kinh doanh hơn 30 năm, đã đi khảo sát địa phương nhiều lần, nhưng chưa bao giờ ông cảm nhận rõ đến vậy tâm trạng sợ rủi ro trong thực thi của các công thức, cản trở mọi nỗ lực, mong muốn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Nhiều khi, nỗi lo sợ này lan từ cấp chuyên viên đến lãnh đạo, dẫn đến tình trạng một hồ sơ của doanh nghiệp có thể phải xin ý kiến đầy đủ các sở, ngành, bất kể có liên quan hay không, dù vướng mắc đó nhiều khi chỉ là vấn đề kỹ thuật, có thể xử lý nhanh.

Những rào cản từ phía công chức thực thi không chỉ làm khó một vài hồ sơ, dự án bị ảnh hưởng, mà cả niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp bị bào mòn.

Nguyên do bắt nguồn từ tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu rõ ràng vẫn còn rất lớn trong hệ thống văn bản, nên nếu vận dụng quy định này để thuận cho doanh nghiệp, thì có thể vướng vào quy định khác ở văn bản luật khác. Chưa kể tình trạng cùng một vấn đề, quy định, có nhiều cách hiểu khác nhau… Trong khi đó, chất lượng trả lời của một số bộ, ngành quản lý lĩnh vực còn chung, chưa đi sâu, cụ thể vào kiến nghị của địa phương, việc phối hợp giữa các đơn vị có liên quan chưa hiệu quả.

Rủi ro chính sách đang đổ nặng lên vai công chức thực thi, buộc họ phải lựa chọn.

Nhưng, để đảm bảo an toàn cho công chức, không làm sai các quy định cũng đồng nghĩa sẽ làm khó doanh nghiệp, thậm chí làm sai với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn vẫn đang bao vây các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì những rào cản từ phía công chức thực thi không chỉ làm khó một vài hồ sơ, dự án bị ảnh hưởng, mà cả niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp bị bào mòn.

Nếu kéo dài, nếu doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, sản xuất cầm chừng, không có đầu tư mới cho tương lai, nền kinh tế sẽ gánh chịu hệ lụy.

Cần phải nhắc lại, trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH 15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, bên cạnh các giải pháp tài khóa, tiền tệ, thì trụ cột thứ 5 là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Khi Chương trình được ban hành, cả giới chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đều kỳ vọng, việc thực hiện trụ cột phi tài chính này không đòi hỏi nhiều nguồn lực, vì sẽ mang lại tác động tích cực ngay lập tức, với tính chất bền vững và dài hạn.

Trong trụ cột này, các phần việc đã được Chính phủ giao rất rõ. Đó là rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh được xác định; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước, quản trị xã hội, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm…

Rõ ràng, chìa khóa để giải tỏa tâm trạng lo ngại, sợ rủi ro, sợ sai, không dám làm của công chức thực thi không thiếu, nhưng khó khăn vẫn là tốc độ và hiệu quả thực hiện các giải pháp đó.

Tin liên quan
Tin khác