Thời sự
Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ gói chính sách tài khóa, tiền tệ
An Nguyên - 26/01/2022 09:08
Gợi mở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh Cà Mau, ngày 25/1.
.


Vừa qua, Quốc hội đã thông qua gói chính sách tài khoá, tiền tệ với quy mô 350 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Cà Mau cần bám sát các quan điểm, mục tiêu và yêu cầu của gói hỗ trợ này và tình hình cụ thể của địa phương, khẩn trương xây dựng dự án, đề xuất với các bộ, Chính phủ để tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ gói chính sách này.
Đó là gợi mở của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh Cà Mau, ngày 25/1.
Sau 25 năm tái thành lập tỉnh, Cà Mau đã có sự phát triển vượt bậc, từ địa phương nghèo thuần nông đã trở thành 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo tại cuộc làm việc cho thấy, kinh tế Cà Mau đang phát triển tương đối toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và lĩnh vực dịch vụ chiếm trên 2/3 cơ cấu kinh tế; ngư, nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Cà Mau hiện là tỉnh trọng điểm về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có sự chuyển biến đáng kể, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng giáo dục,... làm thay đổi diện mạo và là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Ngoài 2 tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 63, đã đầu tư thêm 3 tuyến Quốc lộ mới, cảng Hàng không Cà Mau đạt cấp 3C, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, các trung tâm thương mại, siêu thị...; đặc biệt, Cụm Công nghiệp Khí - Điện - Đạm được xây dựng và trở thành một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.
Chất lượng đời sống của người dân được cải thiện, năm 1997, thu nhập bình quân chỉ hơn 3 triệu đồng (269 UDS), tỷ lệ hộ nghèo 30%. Đến nay, thu nhập đã tăng lên trên 54 triệu đồng (2.277 USD), tăng gấp 7 lần; hộ nghèo từ 30% giảm còn 1,5%.
Văn hóa, xã hội được chú trọng, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc được quan tâm. An sinh xã hội được đảm bảo, chăm lo đời sống người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng tốt hơn.

Trong dịp tết nguyên đán, cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, Cà Mau đã huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, các nhà hảo tâm để chăm lo Tết cho người dân.

Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau đạt được trong thời gian qua. Nhất là năm 2021, mặc dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid – 19 nhưng với sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, Cà Mau đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid –19, điều trị khỏi cho hơn 90% số ca mắc, giảm tối đa ca bị tử vong; phủ vaccine 99% dân số từ 12 tuổi trở lên và đang tiêm mũi tăng cường thứ ba.

Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 12/22 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, trong đó có những điểm sáng như: lĩnh vực ngư - nông - lâm có mức tăng trưởng khá (tăng 3,9%); kim ngạch xuất khẩu vượt kế hoạch; thu ngân sách vượt 6,8% so với dự toán; trong năm có 3 dự án năng lượng tái tạo hoàn thành đưa vào vận hành thương mại với công suất 100MW…

Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh toàn diện, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI và Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những kết quả trên đây là nền tảng để Cà Mau triển khai thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh và phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Năm 2022, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, các kết quả tỉnh đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là rất tích cực nhưng vẫn còn xa mục tiêu đặt ra. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị,  Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cà Mau cần tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, trong đó, cần quan tâm điều chỉnh, bổ sung những vấn đề mới phát sinh sau 2 năm dịch Covid – 19 bùng phát vừa qua, không bằng lòng với những mục tiêu, kế hoạch trước đó mà phải cập nhật tình hình, yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn để có sự điều chỉnh phù hợp.

Sau một năm đầy khó khăn vừa qua, Cà Mau cần xây dựng kịch bản cho từng năm, thậm chí là kịch bản cho từng lĩnh vực để từ đó xác định các giải pháp trọng tâm, có những vấn đề thuộc kế hoạch trung hạn nhưng phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện sớm hơn, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Cà Mau cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai... Lưu ý đây là vấn đề lớn, quan trọng, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh hết sức quan tâm, có quy hoạch, đầu tư phát triển xã Đất Mũi và huyện Ngọc Hiển.

“Phải xác định đây vừa là tình cảm, vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm của chúng ta bởi đây là địa bàn có ý nghĩa thiêng liêng, giữ vai trò quan trọng về quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo quốc gia. bà con Đất Mũi ấm lòng, nhân dân Ngọc Hiển ấm lòng thì nhân dân cả nước cũng ấm lòng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Cà Mau cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai 4 chuyên đề giám sát quan trọng về công tác quy hoạch, về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tỉnh ủy Cà Mau quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai trên địa bàn, rà soát, đánh giá các lĩnh vực này, vừa phục vụ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng trước hết là phục vụ cho chính địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để có thêm dư địa phát triển.

Tin liên quan
Tin khác