Doanh nhân
Tản mạn... phá sản
- 18/04/2013 10:00
Góc nhìn nhân bản của doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Doanh Chủ về phá sản.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh

1.Từ cuối năm ngoái, thông tin không mấy sáng sủa do VCCI công bố về các doanh nghiệp giải thể, phá sản, "biến mất' hoặc chết lâm sàng và có thể lên đến 10% số doanh nghiệp hiện có đã gây một cú shock đối với nền kinh tế.

Làm kinh doanh trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, thị trường bị co hẹp, van tín dụng ngân hàng bị khóa chặt, công nợ khó đòi tăng cao và hàng tồn kho ứ đọng... thì việc đóng cửa, phá sản hay sáp nhập cũng là điều hết sức bình thường. Thế mới biết, làm chủ doanh nghiệp không chỉ là đi xe đẹp, ở nhà cao, du hí nước ngoài, được ra lệnh, được kính trọng, mà còn khốn khổ với việc bán hàng, thu nợ, trả lương cho nhân viên và đóng thuế. Trầm cảm, stress, mất ngủ, bạc tóc, đau nhức toàn thân cũng là điều hết sức bình thường. Cạnh tranh, thị trường, kinh doanh vốn khắc nghiệt và đào thải là tất yếu.

2.Năm 1991, khi còn là một cậu sinh viên năm thứ 2 Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi đã bắt đầu nghiên cứu về Luật Phá sản. Tôi tìm đọc các tài liệu trong Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM cũng như nghiên cứu Luật phá sản doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc. Tôi đã khá ngạc nhiên về tính nhân bản của Luật Phá sản.

Với suy nghĩ non nớt lúc đó, tôi đã cho là nếu như để doanh nghiệp phá sản, không trả được nợ thì người chủ phải đi tù. Trong khi đó, Luật Phá sản các nước lại cho phép chủ doanh nghiệp được thương lượng với các chủ nợ, được hỗ trợ, tạo điều kiện để gầy dựng lại hoạt động kinh doanh và chỉ khi nào đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể vực dậy, doanh nghiệp mới được phát mãi, phá sản và người chủ sẽ bị cấm không được lập một doanh nghiệp mới trong một thời gian.

Sau này, tôi nhận thức sâu sắc là kinh doanh luôn đối diện với rủi ro. Nên chuyện thành bại cũng là lẽ thường. Không chỉ có những doanh nghiệp vừa và nhỏ mới bị phá sản. Các công ty đa quốc gia lừng lẫy một thời vẫn nộp đơn phá sản như trường hợp của Kodak, General Motors...

3.Qua 18 năm làm kinh doanh, tôi đã trực tiếp tham gia hoặc tư vấn cho nhiều thương vụ mua bán công ty. Riêng trong năm 2011 là 2 thương vụ sáp nhập và một thương vụ bán đứt công ty cho một đối tác và họ sử dụng tài sản công ty vào một mục đích kinh doanh khác.

Vụ sáp nhập đầu tiên là giữa 2 nhà phân phối lớn tại TP.HCM của một nhãn hiệu có uy tín. Trước đây, họ là đối thủ cạnh tranh quyết liệt của nhau. Mặc dù, trong các hội nghị, họp mặt, họ vẫn gặp nhau, tay bắt mặt mừng, thống nhất với nhau về chuyện này, chuyện kia, nhưng lập tức ngay sau đó là những chiêu thức cạnh tranh khốc liệt, đúng nghĩa với câu thành ngữ: thương trường là chiến trường! Một nhà phân phối vì lý do cá nhân muốn rút lui khỏi thị trường và nhiều người lăm le muốn nhảy vào mua lại. Tôi đã tư vấn cho nhà phân phối còn lại mạnh dạn đàm phán mua lại, sáp nhập 2 công ty với nhau để giảm chi phí và tăng sản lượng kinh doanh, tăng "tiếng nói" trên thị trường.

Vụ sáp nhập thành công và hiện nay, công việc kinh doanh của họ rất tốt! Người bán thì cũng khá hài lòng với mức giá cao hợp lý cũng như nhân viên của của mình vẫn đảm bảo được việc làm với thu nhập tốt hơn.

4.Trong năm 2011, tôi cùng Hội đồng quản trị đã xin ý kiến cổ đông để bán một công ty chế biến gỗ xuất khẩu. Công ty đã hoạt động được 8 năm và thị trường chính là xuất khẩu đồ gỗ cho các siêu thị ở Anh, Hàn Quốc thông qua các công ty thương mại Đài Loan, Hồng Kông. Do không có thương hiệu riêng và thị trường xuất khẩu rất bấp bênh, đặc biệt là khi nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng, nên công ty thường xuyên bị thiếu đơn hàng.

Để đảm bảo có việc làm cho công nhân, công ty phải “quơ quào" các đơn hàng có trên thị trường với mức giá không có lời. Các đơn hàng lạ thì tỷ lệ phế phẩm lại cao, càng sản xuất thì càng bị lỗ. Vì vậy, tôi đã đề xuất bán lại công ty này. Có cổ đông sáng lập của công ty, là những người đầu tiên gầy dựng nên xí nghiệp gỗ đã rất buồn lòng và chất vấn tôi gay gắt. Tại sao lại bán xí nghiệp gỗ khi đó là xương máu của một thế hệ cô chú đi trước? Tại sao các công ty chế biến gỗ khác vẫn tồn tại và phát triển mà mình lại đi bán?... Tôi đã giải trình đầy đủ bằng những số liệu và thực trạng hoạt động, hiệu quả của xí nghiệp gỗ và sau đó, đã nhận được sự đồng thuận của cổ đông.

Rõ ràng, tâm lý coi sự bán doanh nghiệp hay sáp nhập là một sự thất bại đang rất phổ biến trong nhận thức của nhiều người.

5.Một vấn đề nữa đó là tinh thần của nhân viên, đặc biệt là các cán bộ chủ chốt của những doanh nghiệp bị sáp nhập. Tâm lý lo lắng, sợ mất việc làm, sợ không được trọng dụng là phổ biến. Mặc dù, ai cũng hiểu rằng, những người mua lại công ty đều mong muốn đây là một khoản đầu tư có hiệu quả và cũng không thể tìm đâu ra những nhân viên tốt hơn những nhân viên hiện hữu.

Tôi đã chia sẻ với những nhân viên của mình là phải hết sức tự tin. Mỗi chúng ta đều có những giá trị nhất định, đều có thể làm xuất sắc công việc được giao và sẽ làm việc ở những công ty nào mà chúng ta thấy phù hợp. Chúng ta có quyền chọn lựa " Chúa tốt để phò"! Và giai đoạn sáp nhập là thời điểm mà chúng tôi đánh giá tốt nhất bản lĩnh của nhân viên. Những người tự tin, bình tĩnh và vẫn làm tốt các công việc của mình trong giai đoạn sát nhập là những người xuất sắc và thường sẽ tiếp tục được trọng dụng dưới “triều đại mới!”.

6.Thông tin đồn đãi trên thị trường trong những vụ sáp nhập cũng là vấn đề đau đầu. Tôi có khá nhiều kinh nghiệm " xương máu" về vấn đề này.

Tôi đã tham gia một cuộc đàm phán để bán lại một công ty A do tôi điều hành cho một công ty lớn hơn trong ngành là B. Lãnh đạo cao cấp 2 bên đã cam kết giữ bí mật thông tin và ký Thỏa thuận bảo mật. Vậy mà, 1 giờ sau cuộc đàm phán, thông tin đã xuất hiện trên thị trường. Ngày sau, nhân viên kinh doanh của công ty B đã đến khách hàng của công ty A để thông báo việc công ty mình sẽ mua lại trong khi tiến trình đàm phán chỉ vừa bắt đầu và chưa có điều gì cụ thể hết. Thị trường náo loạn, khách hàng gọi cho tôi liên tục. Tôi cũng không thể trách lãnh đạo công ty B được vì thị trường cạnh tranh quá khốc liệt. Cuối cùng, vì một số lý do khác nữa, chúng tôi đã dừng lại việc đàm phán bán công ty A và phải thông tin công khai cho khách hàng của mình!

7.Phá sản, giải thể, sáp nhập sẽ là những từ phổ biến trong những ngày sắp tới.

Theo thống kê thì 70% doanh nghiệp mới thành lập tồn tại không quá 3 năm. Với môi trường kinh doanh nhiều biến động, chính sách vĩ mô thay đổi nhanh và không ổn định, nhất quán, việc kinh doanh càng ngày càng khó khăn, rủi ro thất bại là rất cao.

Vì vậy, bên cạnh những câu chuyện thành công, cũng rất cần chia sẻ những thông tin, câu chuyện về thất bại cho cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ, đang hăm hở bước vào con đường kinh doanh.

Bên cạnh đó, Luật Phá sản cũng cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp để những doanh nghiệp không thành công, có thể được "chết" theo đúng luật, các quan hệ nghĩa vụ, trách nhiệm được giải quyết dứt điểm. Qua đó, cái nhìn của xã hội với những doanh nhân “phá sản” cũng thân thiện và chia sẻ hơn!

Tin liên quan
Tin khác