Ngân hàng - Bảo hiểm
Tăng cung vàng nhưng không để “thủng” kho ngoại tệ
Thùy Liên - 17/04/2024 13:28
Thay vì cấp phép nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức “mở kho” dự trữ, tổ chức đấu thầu vàng để tăng cung cho thị trường. Giải pháp này được giới chuyên gia ủng hộ trong bối cảnh giá vàng và tỷ giá cùng nóng rẫy hiện nay.
Đấu thầu vàng, tăng cung ra thị trường sẽ giúp kéo giảm chênh lệch giá kim loại quý này           Ảnh: Đức Thanh

Không gây áp lực cho tỷ giá

Dự kiến, trong tuần này, NHNN tổ chức phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm để tăng cung cho thị trường vàng. NHNN cho biết, loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua; 1 tiếng sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả.  

Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị NHNN cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng, đồng thời bỏ độc quyền vàng miếng SJC để từng bước ổn định thị trường vàng.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao NHNN lại lựa chọn lấy vàng trong kho ra để bổ sung nguồn cung cho thị trường, thay vì cho phép nhập khẩu vàng?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cho rằng, việc NHNN lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cung để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng là hợp lý trong bối cảnh tỷ giá tăng cao và dự trữ ngoại hối có hạn như hiện nay.

Đầu tuần này, giá USD bán ra ở thị trường tự do đã áp sát mức 25.550 VND/USD và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng đã tăng 3,3% tính từ đầu năm đến nay. Nếu đà tăng của tỷ giá tiếp tục diễn ra, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc NHNN đấu thầu vàng sẽ kéo giảm ngay chênh lệch giá vàng vì mức giá sàn đưa ra sẽ tiệm cận với giá vàng quốc tế. Các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu phải tính toán để đảm bảo có lãi, không thể đưa ra giá cao chót vót. Giá vàng miếng giảm sẽ kéo giá vàng nhẫn giảm theo. Dĩ nhiên, tốc độ giảm của chênh lệch giá vàng còn phụ thuộc vào số lượng vàng được đưa ra đấu thầu, cũng như diễn biến của giá vàng quốc tế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đánh giá cao giải pháp đấu thầu vàng, thay vì phương án nhập khẩu vàng. Theo chuyên gia này, tỷ giá VND/USD tăng mạnh từ đầu năm đến nay, nếu NHNN cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu 500 - 1.000 kg vàng, doanh nghiệp sẽ cấp tập mua 1-2 tỷ USD để nhập khẩu, đồng nghĩa áp lực lên tỷ giá sẽ càng lớn.

“Nhu cầu vàng trong nước là có. Thời gian qua, vàng trong nước tăng cao so với thế giới là do khan hiếm nguồn cung. Việc đấu thầu vàng SJC trong kho vừa không ảnh hưởng tới tỷ giá, vừa đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời. Bởi nếu cho phép nhập khẩu vàng thì sẽ mất rất nhiều thời gian đưa ra các điều kiện nhập khẩu vàng, thủ tục nhập khẩu vàng, tính toán số lượng nhập khẩu, sau đó lại mất thêm thời gian gia công vàng miếng. Điều này sẽ làm giảm tốc độ can thiệp thị trường vàng hơn nhiều so với giải pháp đấu thầu vàng miếng sẵn có trong kho”, ông Thịnh phân tích.

Mặc dù việc đem vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra bán đấu giá sẽ làm hao hụt kho dự trữ, song theo các chuyên gia, NHNN có thể nhanh chóng ổn định thị trường vàng. Điều quan trọng nhất là giải pháp này sẽ khiến kinh tế vĩ mô không bị xáo trộn so với giải pháp nhập khẩu vàng.

Chênh lệch giá vàng sẽ được kéo giảm

Tính tới đầu tuần này, chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng thế giới là gần 14 triệu đồng/lượng. Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), giải pháp đấu thầu vàng có thể giúp chênh lệch giá vàng giảm ngay, trong khi nếu nhập khẩu vàng, ít nhất phải sau 1 tháng, doanh nghiệp mới có thể tăng cung vàng miếng ra thị trường.

“NHNN có thể tổ chức đấu thầu nhiều phiên, chỉ cần tung mỗi phiên 5.000 - 10.000 lượng vàng là chênh lệch vàng sẽ giảm xuống”, ông Khánh nói.

Tương tự, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc bổ sung nguồn cung cho thị trường vàng sẽ làm tâm lý thị trường bớt căng, từ đó hành vi mua bán vàng của người dân sẽ thay đổi. Ít nhất, người dân sẽ có tâm lý chờ đợi, quan sát, cầu vàng giảm, cung - cầu cân bằng, từ đó chênh lệch giá sẽ giảm dần.

Hiện chưa rõ NHNN dự định tung ra thị trường bao nhiêu vàng trong năm nay. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của Việt Năm năm 2023 khoảng 55 tấn, phần lớn từ các nguồn không chính thức.

Song, nếu chỉ dựa vào đấu thầu vàng để tăng cung vàng, NHNN sẽ không thể giảm sâu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Về lâu dài, cùng với đấu thầu vàng, NHNN vẫn phải tính tới giải pháp tăng cung cho thị trường thông qua việc cho các doanh nghiệp nhập vàng nguyên liệu và bỏ độc quyền vàng miếng SJC.

Tuy nhiên, giải pháp nhập khẩu vàng cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại ảnh hưởng tới tỷ giá. Tính tới đầu tuần này, giá USD trên thị trường tự do gần 25.550 VND/USD. Tỷ giá VND/USD niêm yết tại các ngân hàng từ đầu năm đến nay tăng khoảng 3,3%, khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ngấm đòn.

Tại Đại hội đồng cổ đông của Hòa Phát mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho hay, tỷ giá leo thang khiến tập đoàn phải chi 200 tỷ đồng trích lập dự phòng tỷ giá trong quý I/2024.

Theo nhận định của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư (Maybank Investment Bank), diễn biến giá vàng hiện nay không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, bởi hiện tượng vàng hóa không còn. Giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng, nhưng không phù hợp cho đầu tư ngắn hạn.

Thực tế, với chênh lệch mua vào - bán ra có lúc được đẩy lên tới 3 triệu đồng/lượng hiện nay, người mua lỗ ngay 3 triệu đồng/lượng ngay sau khi mua vàng. Nếu NHNN tăng cung vàng qua các phiên đấu thầu vàng miếng, nguy cơ lỗ lại càng lớn nếu đầu tư ngắn hạn.

Tin liên quan
Tin khác