Cảng hàng không Côn Đảo hiện do ACV quản lý, khai thác. Sân bay có 1 đường cất hạ cánh với kích thước 1.830 m x 30 m, kết cấu bê tông nhựa, khai thác các loại tàu bay ATR72 và tương đương. |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị có biện pháp tăng cường chuyến bay để người dân và du khách đi lại thuận lợi, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, hiện nay, đối với Cảng hàng không Côn Đảo do hạn chế cơ sở hạ tầng chưa tiếp nhận được các loại tàu bay lớn như A320/A321 mà chỉ tiếp nhận được các loại tàu bay như ATR72, Embraer E190 nên việc khai thác đến Côn Đảo có phần hạn chế.
Sau khi Bamboo Airways ngừng khai thác đường bay Hà Nội - Côn Đảo bằng tàu bay Embraer để thực hiện tái cơ cấu thì hiện tại chỉ có Vietnam Airlines và VASCO (chi nhánh của Vietnam Airlines) đang sử dụng tàu bay ATR72 khai thác đường bay kết nối Côn Đảo – TP.HCM với tần suất 16 chuyến khứ hồi/ngày và đường bay Côn Đảo - Cần Thơ với tần suất 5 chuyến khứ hồi/tuần.
Việc này đã làm giảm nhất định số lượng vé cung ứng trên các đường bay đi/đến Côn Đảo, nhất là trong những thời điểm cao điểm như dịp lễ hội, mùa du lịch, khi đó cầu vượt quá cung, đã gián tiếp khiến giá vé máy bay đi/đến Côn Đảo luôn giữ ở mức cao.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tổ chức kiểm tra hoạt động bán vé của các hãng hàng không Việt Nam, qua đó ghi nhận giá vé máy bay trên các đường bay đến Côn Đảo tuân thủ đúng quy định về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi của hành khách khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không, Bộ GTVT đã có khuyến cáo hành khách thực hiện mua vé từ các kênh bán vé chính thức của các hãng hàng không (như phòng vé, đại lý, trang thương mại điện tử, ứng dụng…) và sớm có kế hoạch đặt mua vé để có nhiều cơ hội lựa chọn với những mức giá vé phù hợp.
Để nâng cao hoạt động khai thác tại Cảng hàng không Côn Đảo, Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu cũng như tạo điều kiện cho Vietnam Airlines tăng cường hoạt động khai thác đến Côn Đảo và cùng với các hãng hàng không khác tích cực tìm kiếm loại tàu bay phù hợp với hạ tầng sân bay Côn Đảo, nghiên cứu xây dựng kế hoạch khai thác các đường bay đến Côn Đảo.
Việc tham gia của các hãng hàng không khác khai thác đường bay đi/đến Côn Đảo sẽ góp phần tăng tải cung ứng trên các đường bay, bổ sung thêm sự lựa chọn về dịch vụ hàng không cho hành khách, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm vé trong một số giai đoạn cao điểm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bộ GTVT cho biết, chính sách hỗ trợ chi phí cho người dân khi thuê trực thăng, hiện nay việc khai thác các chuyến bay bằng trực thăng đến Côn Đảo và các cảng hàng không khác cũng như vấn đề liên quan đến chi phí vận chuyển bằng trực thăng do Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện. Do vậy, Bộ GTVT không có thẩm quyền đối với nội dung này, đề nghị cử tri có ý kiến với Bộ Quốc phòng để xem xét theo thẩm quyền.
Theo cử tri Bà Rịa – Vũng Tàu, nhu cầu khách du lịch đến huyện Côn Đảo ngày càng cao, nhất vào mùa cao điểm Du lịch, lễ hội; người dân và du khách rất khó tiếp cận với vé máy bay đi và đến Côn Đảo; thường xuyên xảy ra tình trạng khan hiếm vé, cháy vé hoặc phải mua vé giá cao hơn hệ thống niêm yết nhiều lần.
Cử tri kiến nghị có biện pháp tăng cường chuyến bay để người dân và du khách đi lại thuận lợi, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương; đồng thời, cần kiểm soát hoạt động có liên quan, cũng như có chính sách hỗ trợ để người dân thuận tiện khi mua vé máy bay đối với nhân dân Côn Đảo, nhất là khi có trường hợp phải chuyển viện cấp cứu; có chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho người dân khi phải thuê trực thăng chuyển viện cấp cứu khẩn cấp.
Trước đó, vào tháng 8/2024, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng khu bay bằng nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa vào khai thác tàu bay code C, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong khai thác và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
“Đây là phương án đầu tư bảo đảm hiệu quả khai thác cũng như hiệu quả sử dụng vốn với kinh phí hợp lý”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Đối với các công trình khu hàng không dân dụng, Bộ GTVT cho rằng, trong giai đoạn đến năm 2030, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ) mới với công suất khoảng 2 triệu lượt khách/năm, ước tính kinh phí đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng.
Phương án đầu tư các công trình khu hàng không dân dụng sẽ theo phương thức PPP, trên cơ sở Đề án đầu tư khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Côn Đảo do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không (cung cấp suất ăn hàng không, xăng dầu hàng không...), Bộ GTVT cho biết, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu.
Trong quá trình phát triển công suất của Cảng hàng không Côn Đảo, căn cứ theo nhu cầu thực tế và mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. “Đối với các công trình khu bay, sau khi hoàn thành đầu tư, Bộ GTVT sẽ bàn giao cho UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giao nhà đầu tư quản lý, khai thác theo hợp đồng dự án”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.