Tại buổi họp báo, PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm, cho biết Viện đang tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các đối tác quốc tế, nổi bật là một số hoạt động như tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là đại diện toàn quyền Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu hạt nhân (JINR); tăng cường lực lượng cán bộ khoa học của Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc tại JINR; hai bên đã thảo luận về dự án xây dựng phòng thí nghiệm chung, dự án phát triển Trung tâm Thông tin JINR tại Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu biển với các đối tác quốc tế: Phối hợp với Viện Nghiên cứu vì sự phát triển Pháp (IRD) triển khai chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA trong vùng biển ven bờ Việt Nam với sự tham gia của 34 nhà khoa học hai bên; phối hợp với đối tác Nga xây dựng phương án thực hiện chuyến khảo sát đa dạng sinh học và hóa sinh biển chung lần thứ 9 bằng tàu “Viện sĩ Oparin” và chuyến khảo sát địa chất và địa vật lý biển chung lần thứ 2 bằng tàu “Viện sĩ Lavrentiev” trong vùng biển Việt Nam, thực hiện “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018 - 2025 giữa Viện Hàn lâm và Viện Hàn lâm Khoa học Nga”.
Viện cũng tiếp tục thực hiện vai trò là đầu mối của Chính phủ tại các tổ chức quốc tế như: Viện Phân tích Hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA), Ủy ban Liên chính phủ về Hải dương học (IOC),…
Thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, PGS.TS Trần Tuấn Anh chia sẻ một số hoạt động nổi bật như: Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trong “Chiến lược Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vũ trụ đến năm 2030” ban hành tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 04/02/2021: Đến nay, Viện Hàn lâm đã hoàn thành trên 90% khối lượng các công việc cần thực hiện của Dự án từ nguồn vốn đối ứng; đã và đang xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực quốc gia về quan sát Trái đất dựa trên hệ thống vệ tinh nhỏ”; thực hiện quy trình thành lập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Vũ trụ Việt Nam.
Vận hành ổn định Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần và các mạng trạm quan trắc, góp phần tích cực trong công tác cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Từ ngày 15/12/2023 đến 14/5/2024, Trung tâm đã ghi nhận được 126 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam trong đó có 23 trận động đất có độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện thông tin.
Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin ứng dụng hệ thống giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing-NGS) bàn giao kết quả cho Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hai Trung tâm quốc tế về Toán học và Vật lý (được Unesco công nhận và bảo trợ) đã hoạt động hiệu quả góp phần khẳng định sự hội nhập của Việt Nam trong lĩnh vực KH&CN.
Công tác ứng dụng, triển khai công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Tính đến ngày 16/5/2024, Viện Hàn lâm được cấp 53 sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch 6 tháng cuối năm, Viện Hàn lâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc; triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các nhiệm vụ KH&CN thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình Vật lý, Chương trình Toán học và Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực: Hoá học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025; Chiến lược quốc gia về phát triển Trí tuệ nhân tạo; Chiến lược quốc gia về công nghệ vũ trụ,...
Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng các công bố quốc tế đạt chuẩn quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ KH&CN; tăng cường công tác ươm tạo công nghệ, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống; xây dựng và triển khai chương trình thu hút nhà khoa học và cán bộ trẻ trình độ cao…