Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 25, với hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tư pháp, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tại nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.
Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, nghị quyết nêu rõ: siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung khắc phục tình trạng gửi chậm hồ sơ đề xuất xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là việc thực hiện chủ trương thí điểm những nội dung khác luật, những đề xuất một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật nhưng chưa lý giải thuyết phục sự cần thiết và chưa đánh giá kỹ tác động.
Việc thí điểm phải xác định phạm vi, không gian, thời gian, địa chỉ cụ thể và phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Không đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Nghị quyết cũng yêu cầu các cơ quan nói trên chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập liên quan đến các thị trường hàng hóa, dịch vụ, chứng khoán, bất động sản, mua sắm, đầu tư công, phòng cháy, chữa cháy, hoàn thuế giá trị gia tăng để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành hoặc văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi do không phù hợp. Chấm dứt tình trạng sử dụng hình thức văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật để quy định các nội dung có tính quy phạm pháp luật, nhất là đặt ra quy trình, thủ tục, yêu cầu khác với quy định của pháp luật hiện hành.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành và địa phương; kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức pháp chế; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận công chức pháp chế. Tiếp tục làm tốt công tác truyền thông về chính sách, pháp luật; tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm thiết thực, hiệu quả.
Yêu cầu tiếp theo từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội là quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Tăng cường cơ chế giám sát và phản biện xã hội, vai trò giám sát của Nhân dân đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả, chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Rà soát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động đấu giá tài sản, tạo điều kiện cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, cũng là yêu cầu sau chất vấn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, yêu cầu sau chất vấn là khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Kịp thời phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội thị trường. Củng cố các thị trường hiện có, mở rộng các thị trường mới cho nông sản Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trả lời chất vấn tại điểm cầu Diên Hồng. |
Đẩy nhanh việc xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”. Có giải pháp xử lý tình trạng sụt, lún tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn yêu cầu khẩn trương phê duyệt và triển khai Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2030. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong khai thác bất hợp pháp, giảm nhanh và tiến đến chấm dứt tình trạng này, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cạn kiệt, suy thoái tài nguyên biển.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định đến năm 2025”. Tiếp tục đàm phán, ký kết, phân định vùng biển chồng lấn, vùng chưa phân định giữa Việt Nam với các nước; xác định ranh giới được phép khai thác hải sản trên các vùng biển nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân nước ta bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý trên vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực.
Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến qua các đồn, trạm biên phòng tuyến biển, bảo đảm đủ các điều kiện tham gia hoạt động khai thác hải sản. Điều tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhất là điều tra, xử lý, truy tố hình sự các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nghị quyết nêu.
Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm quy định về các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý các hành vi khai thác IUU và vận động Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về hải sản đối với Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý.
Các cơ quan liên quan còn được yêu cầu có kế hoạch vừa đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, vừa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Phối hợp với bộ, ngành, địa phương quản lý, điều phối công tác thu mua, chế biến, bảo quản lúa gạo, bảo đảm ổn định thị trường trong nước, hài hòa lợi ích người trồng lúa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo.
Trong năm 2023, cơ bản hoàn thiện việc phê duyệt các quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp. Thực hiện lập hồ sơ, thủ tục, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, quyết định chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn để thực hiện dự án đúng theo quy định. Hài hòa lợi ích giữa các bên trong quá trình chuyển đổi đất đai theo quy hoạch, nhất là bảo đảm cuộc sống cho người bị thu hồi đất, Nghị quyết nêu yêu cầu sau chất vấn.