Tăng Hải Ngọc Sơn (thứ nhất, từ phải sang) cùng các thành viên sáng lập, vận hành Drobebox. |
Sử dụng nhưng không sở hữu là tương lai của thời trang
“Người yêu tôi không có gì để mặc” là tựa đề một bài hát “gây sốt” trong giới trẻ vào đầu năm 2018. Tựa đề và bài hát phản ánh một thực tế thường thấy ở nữ giới: dù trong tủ đầy ắp quần áo, họ vẫn cảm thấy rất khó khăn khi chọn đồ.
Nhưng, đó là khi phái đẹp chưa biết đến DrobeBox - công ty công nghệ trong lĩnh vực thời trang.
Từ sự mộng mơ và chút “điên rồ” của tuổi trẻ, Tăng Hải Ngọc Sơn (29 tuổi) cùng đội ngũ sáng lập Drobebox quyết định định nghĩa lại thời trang bằng cách xây dựng “tủ đồ trên mây” đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam - một tủ đồ trong mơ, vô tận, luôn được lấp đầy bởi những sản phẩm thời trang hàng đầu.
Bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), DrobeBox có thể gợi ý cho người dùng những trang phục nên kết hợp cùng nhau; gợi ý trang phục phù hợp với từng sự kiện, tùy “gu” thời trang của từng người. Khách hàng chỉ mất 1 đến 2 phút truy cập ứng dụng DrobeBox để chọn quần áo theo ý thích, kết hợp khuyến nghị từ trí tuệ nhân tạo, trong một buổi, họ sẽ nhận được tối đa 5 sản phẩm đã được giặt là. Trong vai trợ lý trang phục, DrobeBox sẽ đảm nhận cả việc đến nhận lại sản phẩm sau khi khách hàng đã sử dụng.
Sơn cho biết, chỉ với 1,5 triệu đồng/tháng, khách hàng có thể sử dụng 20 - 30 sản phẩm từ 45 thương hiệu thời trang (có giá từ 500.000 đồng đến 6 triệu đồng/sản phẩm), thay vì chi 60 triệu đồng để sở hữu các sản phẩm đó, nhưng lại không muốn mặc lại nhiều lần.
“Chúng tôi tin rằng, với lối sống hiện đại, con người sẽ đề cao giá trị từ trải nghiệm hơn là chú trọng việc sở hữu vật phẩm”, Sơn tự tin.
Mô hình của DrobeBox khá tương đồng với Style Theory - start-up nổi danh ở khu vực Đông Nam Á. Điều thú vị là, cả DrobeBox và Style Theory đều không chỉ là nền tảng cho thuê sản phẩm thời trang (quần áo, giày dép, phụ kiện…), mà còn dựa trên dữ liệu thu về từ hành vi của khách hàng để dự đoán, sản phẩm nào sẽ được khách sẵn sàng chi tiền trong tương lai, hoặc ai sẽ là vị khách đặt kế tiếp của từng món hàng cụ thể. Từ đó, DrobeBox và Style Theory sẽ hợp tác với các nhãn hàng để sản xuất những bộ sưu tập mới.
Đặc biệt, DrobeBox đã sử dụng công cụ AI hiệu quả trong các quyết định kinh doanh. Ví dụ, start-up này thu thập 30 điểm dữ liệu khác nhau về màu sắc, kiểu dáng, vật liệu, kích cỡ… và sử dụng nó để ra quyết định đặt mua quần áo theo số lượng, kích cỡ cụ thể, thay vì chỉ phỏng đoán chọn mẫu theo ý kiến chủ quan của các stylist (người cố vấn về trang phục, phong cách thời trang).
Kết hợp dữ liệu được phân tích và kinh nghiệm của stylist, DrobeBox sẽ xác định được sản phẩm nào thật sự cần mua, đảm bảo các “tủ đồ trên mây” phù hợp với sở thích, vóc dáng của từng khách hàng.
Mục tiêu xuất ngoại
DrobeBox hoạt động giống như mô hình của Netflix, chỉ khác về sản phẩm cung cấp. Cụ thể, khách hàng có tài khoản riêng trên ứng dụng, trả một khoản phí cố định (theo mô hình thuê bao) để nhận về sản phẩm, dịch vụ theo gu cá nhân.
Bằng AI, DrobeBox có thể nắm bắt sở thích, xu hướng thời trang của từng tệp khách hàng. Với dữ liệu rất có ý nghĩa này, trong 2 năm tới, DrobeBox có thể kết hợp cùng stylist đưa ra các mẫu thiết kế riêng.
Tăng Hải Ngọc Sơn, đồng sáng lập DrobeBox
“Ban đầu, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề lựa chọn trang phục quần áo cho khách hàng, sau này, sẽ gợi ý trang sức, túi xách, giày, mỹ phẩm… đi kèm”, Sơn chia sẻ.
Mô hình thuê bao còn mới mẻ tại thị trường Việt Nam, nhưng đã rất quen thuộc trên thế giới. Thách thức với DrobeBox hay các start-up tương tự muốn gia nhập thị trường này là phải giải tỏa được sự hoài nghi của người dùng.
“Lòng tin của khách hàng với mô hình này còn thấp, nhưng sau khi dùng thử, khách hàng của DrobeBox đều sẵn sàng chia sẻ và giới thiệu với bạn bè, người thân”, Sơn nói.
Đội ngũ DrobeBox kỳ vọng, đến hết năm 2021, ứng dụng sẽ có 30.000 - 35.000 người dùng trả thuê bao hàng tháng.
Một báo cáo của Research Nester cho biết, ngành công nghiệp cho thuê quần áo trực tuyến toàn cầu đạt giá trị 1,1 tỷ USD vào năm 2018 và ước tính đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 22,14% thị phần toàn cầu vào 7 năm tới. Riêng thị trường Việt Nam, Sơn ước tính, quy mô hiện khoảng 50 triệu USD và còn rất nhiều dư địa phát triển.
Đội ngũ sáng lập DrobeBox cũng đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động ra các nước Đông Nam Á, với điểm đến đầu tiên là Thái Lan vào năm 2023...
“Tôi nghĩ, không cần phải đợi đến khi chiếm phần lớn ở thị trường nội địa rồi mới phát triển ra nước ngoài. Đội ngũ DrobeBox tin rằng, ngành thời trang Việt Nam có thể đi xa và nhanh hơn, bằng cách này hay cách khác và việc của chúng tôi là giúp các nhà sản xuất hiểu khách hàng hơn, đặt ra tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng kênh phân phối”, Sơn bày tỏ.