Thông tin doanh nghiệp
Tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống siêu thị
Hồng Phúc - 22/06/2020 17:40
Lãnh đạo Saigon Co.op chia sẻ và cho biết, 5 năm tới, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống sẽ đạt 30%.

Theo tân Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), ông Nguyễn Anh Đức, đại dịch Covid-19 khiến xu hướng mua hàng không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên. Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng này để điều chỉnh kinh doanh cho phù hợp xu thế.

Ngành bán lẻ đang có dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Trong ảnh: Thanh toán mua hàng tại Saigon Co.op.

Kêu gọi hợp tác

Đại dịch Covid-19 mang đến những ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế toàn cầu. Do đó, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, thay vì chỉ tái khởi động, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề đều cần cải tổ toàn diện hoặc một bộ phận đang lỗi tại hệ thống.

“Nếu chỉ tái khởi động, doanh nghiệp sẽ không thể nắm bắt cơ hội, thậm chí không thể tồn tại trong thời gian tới”, ông Đức nói.

Đội ngũ lãnh đạo chuỗi bán lẻ này nhìn vào các xu hướng mà đại dịch Covid-19 tạo nên, trong đó có nhu cầu mua hàng không tiếp xúc, thanh toán không dùng tiền mặt và mở ra cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

“Từ xu hướng này, chúng tôi đã hợp tác với 27 đơn vị trong ngành công nghệ, thanh toán… mà trước đây chưa từng hợp tác. Sài Gòn Co.op đang kêu gọi mọi sự hợp tác dù đã từng làm việc với Sài Gòn Co.op hay chưa, để có thể cùng nhau đóng góp thiết thực hơn cho thị trường”, ông Đức chia sẻ và cho biết, 5 năm tới, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống sẽ đạt 30%.

Để đạt mục tiêu trên, các kịch bản kinh doanh thời gian qua cũng như sắp tới của Sài Gòn Co.op đều được gắn liền với 3 đặc tính “xu hướng, nhanh và tập trung”.

Ngoài ra, dấu hiệu dịch chuyển chiến lược của Sài Gòn Co.op còn đến từ tỷ trọng doanh số phát sinh từ kênh trực tuyến đang gia tăng.

Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op khẳng định, họ không tham gia cuộc đua “đổ tiền” bán hàng hay cung cấp dịch vụ trực tuyến, mà chỉ tập trung vào giải pháp nào thực sự đáp ứng mục tiêu “ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, mua bất cứ món gì thì khách hàng đều được cung cấp”.

Chuỗi bán lẻ Sài Gòn Co.op sau 24 năm có mặt trên thị trường đang hướng đến mục tiêu có 1.000 điểm bán tính đến cuối năm nay và kỳ vọng doanh số tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, đạt 38.900 tỷ đồng.

Bán lẻ có thể thành đầu tàu dẫn dắt

Nhìn vào lượng người đến các chuỗi siêu thị, sẽ thấy mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến nền kinh tế.

Điều này đúng, nhưng ông Đức nhận định, cần phân tích một số điểm khác biệt giữa hiện tượng và khía cạnh thực chất của thị trường bán lẻ.

Hiện tượng người tiêu dùng đổ xô đến siêu thị mua sắm dự trữ khi Việt Nam công bố dịch trên toàn quốc, khiến một số siêu thị thậm chí phải kéo dài thời gian hoạt động đến khuya. Nhưng thực chất, doanh số không như kỳ vọng.

“Nhiều người cho rằng, bán lẻ vẫn làm ăn tốt, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ đang rất khó khăn”, ông Đức nói và lấy ví dụ từ các chuỗi siêu thị thuộc Sài Gòn Co.op.

Thứ nhất, số lượng khách đến tuy đông, nhưng ảnh hưởng từ đại dịch khiến mức độ chi tiêu cũng bị thay đổi.

Người tiêu dùng dành tiền mua nhóm hàng thiết yếu, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho sự tồn tại. Theo ông Đức, mức lãi gộp của nhóm sản phẩm này khá thấp.

“Khi không có khủng hoảng, chén chỉ mẻ một miếng, họ sẽ mua cái mới, giúp doanh số chuỗi bán lẻ có thể theo đó mà tăng lên. Còn khi cuộc sống khó khăn, chén mẻ họ vẫn để lại sử dụng”, ông Đức nhận xét.

Thứ hai, lượng người mua đổ về siêu thị lớn, nhưng chỉ dồn vào một vài thời điểm thay vì trải dài cả ngày. Số hóa đơn tăng, nhưng giá trị từng hóa đơn lại thấp vì chỉ mua các mặt hàng thiết yếu.

Do đó, ông Đức đánh giá, về mặt bằng chung, các doanh nghiệp bán lẻ dù có lượng khách đông, nhưng tổng doanh số không đạt như kỳ vọng.

“Doanh số tích lũy từ đầu năm đến nay của nhiều doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng âm và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Kết quả này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngành phụ trợ khác kể cả sản xuất hay start-up”, Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op chia sẻ.

Dù vậy, ông Đức đang hướng về các yếu tố rất tích cực của thị trường. Theo khảo sát do Kantar Worldpanel vừa công bố cho thấy, 54% người tiêu dùng Việt giữ thái độ lạc quan khi tin tưởng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có khả năng vực dậy nhanh nhất khi đại dịch được kiểm soát.

Theo sau đó, ngành công nghiệp bán lẻ đang có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực nhất trong tất cả các ngành.

“Riêng tại Việt Nam, ngành bán lẻ có thể trở thành đầu tàu dẫn dắt, thay đổi các khó khăn trong nền kinh tế vào giai đoạn phục hồi”, ông Đức kỳ vọng.

Theo Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, các gói hỗ trợ của Chính phủ cần có quy trình đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận. Về phần mình, doanh nghiệp không thể chỉ chờ gói hỗ trợ, mà phải tự tìm phương hướng kinh doanh theo cách khởi động khác nhau.
Tin liên quan
Tin khác