Y tế - Sức khỏe
Tăng tiến độ sản xuất thuốc, vắc-xin nội
D. Ngân - 27/11/2021 20:20
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ sở cần quyết liệt để sản xuất bằng được vắc-xin và thuốc phòng, chống Covid-19.

Để phòng chống dịch Covid-19, thuốc và vắc-xin Covid-19 vẫn đang được coi là chìa khóa. Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày hiện tại trên thế giới có 326 loại vắc-xin đang được nghiên cứu, trong đó 132 loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ sở cần quyết liệt để sản xuất bằng được vắc-xin và thuốc phòng, chống Covid-19.

Có 24 loại vắc-xin đã được phê duyệt sử dụng ở các nước, trong đó có 8 loại được WHO cấp phép. Có hơn 25 phương pháp điều trị đã và đang được tiếp cận.

Tại Việt Nam, có 9 loại vắc-xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 117.691.092 liều, trong đó tiêm một mũi là 69.309.495 liều, tiêm mũi 2 là 48.381.597 liều.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 92,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 65,2% dân số từ 18 tuổi trở lên. Đối với trẻ từ 12-17 tuổi, đến nay đã có 28 tỉnh triển khai, tiêm được 2,9 triệu liều, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều là 27,9% và tỷ lệ bao phủ đủ 02 liều là 4,0%.

Về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vắc-xin trong nước, hiện có các ứng viên vắc-xin như Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vắc-xin do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển. 

Bộ Y tế cũng đang hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi WHO giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.

Việt Nam đang sử dụng một số thuốc điều trị đặc hiệu như Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir; thuốc kháng thể kép cho bệnh nhân Covid-19 nặng và một số thuốc hỗ trợ khác, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu cũng đang được nghiên cứu.

Có đơn vị đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1,2,3 đối với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất phát từ các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền để phòng và điều trị Covid-19. 

Kết quả giai đoạn 2 cho thấy các thuốc cổ truyền có tính an toàn, về hiệu quả cần được tiếp tục chứng minh trong các nghiên cứu giai đoạn 3 với cỡ mẫu lớn hơn.

Bộ Y tế và các bộ, ngành, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ để việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Về nguồn cung vắc-xin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ sở cần quyết liệt để sản xuất bằng được vắc-xin và thuốc phòng, chống Covid-19.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng đây là công việc rất quan trọng, rất cần thiết nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm do liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân. 

Do đó, cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết để nhận thức và hành động cho đúng. 

“Cần hết sức tránh hai khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển, bảo đảm thực chất, không chạy theo thành tích”, Thủ tướng Chính phủ nêu.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan cần làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chịu bất cứ một tác động, sức ép nào. 

Các cơ quan quản lý, chuyên môn cần làm việc công tâm, khách quan, trung thực, hiệu quả để đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng đề ra, bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật.

Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất cần kiên trì theo đuổi công việc này vì mục tiêu khoa học, tinh thần nhân đạo và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Tính mạng và sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất.

Với Bộ Y tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần khẩn trương rà soát lại, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất thuốc và vắc-xin trong nước. 

Vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề xuất cấp đó tháo gỡ trên tinh thần tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

“Bộ Y tế chủ trì, các cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để mọi việc thông suốt, xử lý ngay các vướng mắc, không để kéo dài, ách tắc. Công tác truyền thông cần chủ động, tích cực nhưng thận trọng, trung thực và khách quan”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu.

Liên quan tới tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt tên cho biến thể Covid-19 mới B.1.1.529 là Omicron, đồng thời phân loại vào dạng biến thể đáng quan ngại và yêu cầu các quốc gia tăng cường giám sát và giải trình tự gene virus biến thể mới này.

Biến thể mới B.1.1.529 lần đầu tiên phát hiện ở Nam Phi ngày 9/11, được báo cáo lên WHO vào ngày 24/11, được đặt tên là Omicron.

Với việc xếp B.1.1.529  là biến thể đáng quan ngại có nghĩa biến chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn hoặc nguy hiểm hơn với sức khỏe con người, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch.

WHO kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường giám sát đồng thời giải trình tự gene các biến thể SARS-CoV-2 đang hoành hành. 

Các quốc gia nộp bản giải trình tự gene đầy đủ và dữ liệu (metadata) lên cơ sở dữ liệu công, đồng thời báo cáo các ca mắc/ổ dịch biến thể Omicron đầu tiên lên WHO.

WHO cũng khuyến cáo điều tra hiện trường và đánh giá năng lực phòng thí nghiệm để hiểu rõ hơn về tác động tiềm năng của biến thể đáng quan ngại đối với dịch tễ học Covid-19, hiệu quả của các biện pháp giãn cách xã hội và y tế công cũng như khả năng trung hòa kháng thể virus.

Trước sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người dân các nước cần thực thi các biện pháp bảo vệ để phòng tránh nguy cơ nhiễm Covid-19, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay, giãn cách xã hội, thông gió, mở cửa không gian trong nhà, tránh nơi đông người và tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen, cơ quan này đang đề xuất khởi động cơ chế “phanh khẩn cấp” để dừng toàn bộ giao thông đường hàng không giữa Liên minh châu Âu (EU) và khu vực phía Nam châu Phi trước mối lo ngại biến chủng B.1.1.529. Đề xuất này được các nước thành viên ủng hộ.

Tại châu Á, Israel là quốc gia đầu tiên ban hành lệnh cấm công dân đến 7 quốc gia miền Nam châu Phi. Những người nước ngoài đến từ khu vực này bị cấm nhập cảnh, trong khi công dân Israel trở về từ khu vực này có thể phải cách ly đến 14 ngày.

Lo ngại này của Israel hoàn toàn có cơ sở. Bởi chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Tel Aviv ban hành lệnh cấm, Bộ Y tế nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với biến chủng B.1.1.529. Bệnh nhân là người về từ Malawi, một quốc gia cũng ở phía Nam châu Phi nhưng không nằm trong “danh sách đỏ”. Người này đã được tiêm vắc-xin.

Trước quan ngại biến chủng mới có thể tác động đến hiệu quả của vắc-xin, BioNTech đã khởi động quá trình thử nghiệm vắc-xin của Pfizer đối với chủng Omicron. Công ty công nghệ dược phẩm này tuyên bố họ sẽ có kết quả trong vòng hai tuần.

Trong nước, tại cuộc họp vừa qua về điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đại diện Bộ Y tế đã lo ngại về các biến thể mới của Sars-Cov-2 và cho rằng công tác phòng chống dịch cần hết sức cảnh giác.

Tin liên quan
Tin khác