Thời sự
Tăng trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương
Quang Hưng - 25/05/2015 09:06
Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đầu giờ sáng nay (25/5/2015), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình Quốc hội dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) theo hướng tăng quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan Thống kê Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

 

Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) được sửa đổi, bổ sung căn bản, toàn diện, đặc biệt là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, sửa đổi những quy định hiện hành còn có hạn chế, không thống nhất, không phù hợp với thực tế về tổ chức và hoạt động thống kê hiện nay và bổ sung các quy định về hoạt động thống kê mà Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định. Chính vì vậy, về tên gọi của Luật sẽ là Luật Thống kê (sửa đổi) thay thế Luật Thống kê năm 2003.

Luật Thống kê năm 2003 gồm 8 Chương, 42 điều. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 74 điều. Về số lượng các điều, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) tăng 32 điều.

Trong đó bổ sung 2 chương mới hoàn toàn là Chương V: “Nghiên cứu, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin - truyền thông và hợp tác quốc tế trong hoạt động thống kê nhà nước” và Chương VIII: "Hoạt động thống kê ngoài nhà nước"; tách Chương IV của Luật Thống kê năm 2003 “Công bố và sử dụng thông tin thống kê nhà nước” thành 2 Chương mới: Chương IV “Phân tích và dự báo thống kê, công bố và phổ biến thông tin thống kê nhà nước” và Chương VI “Sử dụng thông tin thống kê nhà nước”; bổ sung mục 2 “Sử dụng dữ liệu hành chính trong hoạt động thống kê nhà nước” vào Chương III. Chuyển Chương VI “Quản lý nhà nước về thống kê” của Luật Thống kê năm 2003 vào Chương I “Những quy định chung”.

Sửa đổi tên Chương V: "Hệ thống tổ chức thống kê" thành Chương VII "Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước". Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã bỏ Chương “Khen thưởng và xử lý vi phạm” của Luật Thống kê năm 2003 và chỉ quy định tại 1 Điều của Chương I. Những quy định chung.

Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bổ sung một số nội dung chủ yếu:

1.     Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Luật Thống kê năm 2003 điều chỉnh hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê, hệ thống tổ chức thống kê nhà nước và điều tra thống kê của tổ chức, cá nhân ngoài Hệ thống thống kê nhà nước. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

2. Hệ thống thông tin thống kê nhà nước

Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) kế thừa một phần của Điều 7 Luật Thống kê năm 2003 và khẳng định rõ Hệ thống thông tin thống kê nhà nước tại Chương II.

Điểm sửa đổi, bổ sung lần này nhằm làm rõ các hệ thống thông tin thống kê ở nước ta, bao gồm: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê.

3. Về Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia

Dự thảo Luật đã cụ thể hóa danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (phụ lục đính kèm Luật) tại khoản 4 Điều 16, quy định phân cấp rõ ràng giữa trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố của Cơ quan Thống kê Trung ương và bộ, ngành, địa phương.

4. Hình thức thu thập thông tin thống kê nhà nước

Thực tiễn thống kê thế giới và Việt Nam cho thấy, nguồn dữ liệu hành chính và dữ liệu đăng ký hành chính có vai trò rất quan trọng đối với công tác thống kê nhà nước. Đây là nguồn thông tin quan trọng hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia, hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành. Hiện nay xu hướng của nhiều cơ quan thống kê quốc gia sử dụng nguồn dữ liệu hành chính như là một nguồn thông tin chính yếu trong hoạt động của mình.  

5. Hệ thống tổ chức thống kê

- Dự thảo Luật bổ sung khoản 19 Điều 4 quy định về các cơ quan thống kê địa phương nhằm khẳng định và luật hóa vị trí pháp lý của Cục Thống kê cấp tỉnh trực thuộc Cơ quan Thống kê Trung ương và Chi cục Thống kê cấp huyện trực thuộc Cục Thống kê cấp tỉnh, qua đó khẳng định hệ thống thống kê tập trung và mô hình tổ chức của hệ thống thống kê nhà nước ở Việt Nam.

6. Về hội nhập quốc tế trong hoạt động thống kê, nâng cao tính so sánh của thông tin thống kê với quốc tế

Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã bổ sung những quy định nhằm tăng cường năng lực thống kê quốc gia, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê, đưa thống kê Việt Nam hội nhập đầy đủ và sâu rộng với cộng đồng thống kê khu vực và thế giới.

7. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động thống kê

Luật Thống kê năm 2003 chỉ quy định về ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thống kê (Điều 5). Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã nâng lên thành chương riêng (Chương V). Phương pháp thống kê tiên tiến và hợp tác quốc tế sẽ rút ngắn được thời gian thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích thông tin; thông tin thu thập, xử lý bảo đảm chất lượng; sản phẩm thông tin tạo thành phù hợp với chuẩn thế giới, khu vực và bảo đảm tính so sánh.

8. Phân tích và dự báo thống kê

Thực tế của hoạt động thống kê cho thấy công tác phân tích và dự báo thống kê còn yếu, chưa thật sự được quan tâm và phát triển so với các nước trên thế giới. Để tăng cường công tác phân tích và dự báo, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã bổ sung quy định về phân tích và dự báo thống kê.

9. Về thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia 

Nhằm khắc phục chênh lệch số liệu thống kê giữa Cơ quan Thống kê Trung ương với địa phương và bộ, ngành, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định trách nhiệm và vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trong trường hợp bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của Cơ quan Thống kê Trung ương thì Cơ quan Thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ (khoản 5 Điều 53).

10. Về lịch công bố thông tin thống kê nhà nước

Luật Thống kê năm 2003 chưa quy định lịch công bố thông tin thống kê. Điều 54 dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định lịch công bố thông tin thống kê là căn cứ để minh bạch hóa việc công bố, phổ biến thông tin thống kê, đồng thời đây cũng là cam kết của cơ quan thống kê trong việc cung cấp kịp thời các thông tin thống kê và giúp cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê nhà nước chủ động tiếp cận, sử dụng.

Dự thảo Luật cũng bổ sung một số điều, khoản nhằm tăng quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan Thống kê Trung ương trong lĩnh vực thống kê nhà nước, gồm:

+ Điều 35. Trách nhiệm của Cơ quan Thống kê Trung ương trong tổ chức thực hiện điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia đặc biệt quy định tại khoản 2: “Tham gia chỉ đạo tổ chức, giám sát và kiểm tra các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia do bộ, ngành thực hiện”.

+ Điều 62. Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê nhà nước, đặc biệt quy định tại khoản 2: “Trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc sử dụng số liệu, thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã được cấp có thẩm quyền công bố theo quy định của Luật này.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) sẽ trực tiếp biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Tin liên quan
Tin khác