Khai khoáng thường tăng vào cuối quý để đạt mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: ST |
Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xác định là rất cao, thậm chí sẽ đạt mức 6,61% trong năm nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lại chưa an tâm với mối lo tăng trưởng này có thực sự bền vững.
Theo dự báo của CIEM, nếu tốc độ tăng trưởng GDP này được đảm bảo, khả năng Việt Nam có thể quay lại tốc độ tăng trưởng khoảng 7%/năm như giai đoạn 1991 không hề nhỏ.
“Quý I/2015, khi tốc độ tăng trưởng GDP được công bố là 6,1%, nhiều người sốc. Đến quý II thì sự hồi phục rõ nét hơn và không còn ai bất ngờ về xu thế tăng trưởng quý sau tăng hơn quý trước nữa. Nhưng tôi muốn nhìn xem tăng trưởng này nhờ đâu. Có phải là do nâng cao năng suất, hiệu quả nguồn lực hay không, hay vẫn dựa trên động lực tăng trưởng cũ”, ông Cung đặt câu hỏi.
Đây không phải lần đầu tiên ông Cung đặt vấn đề này, nhưng lần này, cơ sở nhấn mạnh lại hàm ý về sự chậm chạp trong thay đổi động lực tăng trưởng rõ ràng hơn. Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của các ngành trong vài năm trở lại đây, ông Cung cho biết, công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, với mức tăng 9,6% trong 9 tháng, cao hơn đáng kể so với các khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ.
Hoạt động sản xuất trong ngành này cũng chuyển biến tích cực, với chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) tăng 9,8%, tăng đều ở cả 4 phân ngành là sản xuất-phân phối điện; công nghiệp chế biến; khai khoáng và cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải. IIP khá ổn định trong quý II và quý III ở công nghiệp chế biến nói riêng và toàn ngành công nghiệp nói chung. Riêng IIP của ngành khai khoáng không ổn định, chỉ tăng nhanh vào các tháng cuối quý.
“Rõ ràng, trong tăng trưởng có yếu tố lớn của khai khoáng. Tuy vậy, phải nói thêm, đây là giai đoạn giá nguyên liệu giảm mạnh, có nghĩa là phần tăng thêm dựa vào khối lượng. Cũng có thể thấy mục đích tăng trưởng trong việc đẩy khối lượng của khai khoáng tăng lên”, ông Cung nói.
Hơn thế, GDP được tính theo giá cố định của năm 2010, trong khi vài năm vừa rồi, giá thực tế giảm nhiều. “Đây là một nguyên nhân khiến tăng trưởng có nhưng ngân sách lại thiếu”, ông Cung nhận định.
Ngay cả trong sản xuất công nghiệp, dù tăng nhanh do tăng cầu đầu tư và tiêu dùng, giá nguyên nhiên liệu và chi phí đầu vào giảm, nhưng đã tăng đang giảm khi giá xuất khẩu của một số mặt hàng giảm… Trên thực tế, chỉ số PMI (nhà quản trị mua hàng) đã ở mức điểm 49,5 vào tháng 9/2015. Đây là lần đầu tiên chỉ số PMI của Việt Nam xuống dưới mức 50 tính từ đầu năm 2014 đến nay. Chỉ số PMI xuống dưới mức 50 điểm nghĩa là không có sự thay đổi về đơn đặt hàng so với tháng trước.
Bình luận về các con số thống kê này, ông Cung cho rằng, số liệu thì có vẻ ổn, nhưng diễn biến tăng trưởng này có thể chỉ là những điểm sáng nhất thời và khó bền vững.
"Trong bối cảnh này, Chính phủ cần tận dụng đà tăng trưởng và lạm phát thấp để thực hiện các chính sách thúc đẩy động lực mới, đó là hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp và người dân, giảm gánh nặng chi phí", ông Cung khuyến nghị
Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế năm 2015
Quý IV | Cả năm | |
Tăng trưởng GDP (so với cùng kỳ 2014) | 6,83 | 6,61 |
Lạm phát (so với cuối kỳ trước) | 0,28 | 0,68 |
Tăng trưởng xuất khẩu (so với cùng kỳ 2014) | 10,38 | 9,66 |
Cán cân thương mại (tỷ USD) | -0,5 | -4,5 |
Nguồn: CIEM