Để giải bài toán khó này, đã có một khuyến nghị rất đáng chú ý: đó là phải tìm cách tăng vòng quay tiền để thúc đẩy tăng trưởng GDP, mà không phải tăng cung tiền từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Vòng quay tiền ở Việt Nam đã liên tục giảm xuống mức thấp kể từ năm 2011 |
Tăng vòng quay tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Một nghiên cứu cho thấy, vòng quay tiền ở Việt Nam đã liên tục giảm xuống mức thấp kể từ năm 2011, kể cả năm 2020, cho dù có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực thi. Vòng quay tiền giảm “cho thấy lượng tiền khổng lồ dường như đã bị mắc kẹt trong hệ thống tài chính công với tâm lý e dè trong tiêu dùng của người dân, đã làm tăng trưởng GDP không như mức kỳ vọng”. Do đó, với lập luận rằng, vận tốc tiền cao là dấu hiệu của nền kinh tế lành mạnh (bởi vận tốc tiền cao chứng tỏ giao dịch hàng hóa nhanh), nghiên cứu này khuyến nghị, cần gia tăng vòng quay tiền để kích thích tăng trưởng.
Phát hiện và khuyến nghị trên xuất phát từ việc áp dụng công thức: Vòng quay tiền (V) x Cung tiền (M2) = Giá cả (P) x Sản lượng hàng hóa, dịch vụ (Q). Theo đó, khi M2 tăng mạnh như vừa qua, trong khi P và Q tạo thêm ra trong nền kinh tế không tăng mạnh tương ứng, thì đương nhiên là vòng quay tiền sẽ phải giảm đi.
Tuy nhiên, vấn đề mà nghiên cứu đặt ra là phải tăng Q. Nhưng cũng từ công thức trên suy ra Q = VxM2/P. Như vậy, ngoài vòng quay tiền V, thì Q sẽ còn phụ thuộc vào cả M2 và nhất là P, là đại lượng mà NHNN không hoàn toàn kiểm soát được. Nói cách khác, không thể chỉ dựa vào tăng vòng quay tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, vòng quay tiền cao nhiều khi là dấu hiệu của nền kinh tế tăng trưởng nóng và/hoặc đang có lạm phát cao, chứ không phải là dấu hiệu của nền kinh tế lành mạnh. Chắc nhiều người vẫn nhớ câu chuyện nước Đức thời lạm phát phi mã cách đây 100 năm, khi công nhân lĩnh lương xong là lập tức chạy ngay ra chợ để mua hàng hóa (tức vòng quay tiền rất cao), bởi giá cả tăng chóng mặt từng giờ.
Tăng vòng quay tiền để giảm cung tiền
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, vòng quay tiền đang ở mức rất thấp “so với thời điểm tích cực”. Có lẽ nghiên cứu này cũng xuất phát từ công thức nói trên, nên kết luận rằng, “bài toán và mục tiêu lớn của NHNN hiện nay vẫn sẽ phải thúc đẩy vòng quay của tiền. Khi vòng quay tiền gia tăng, thì cung tiền sẽ giảm".
Nghiên cứu này lập luận rằng, cung tiền M2 tăng nhanh là nguyên nhân đẩy dư nợ tín dụng/GDP lên mức cao, do đó khi rút bớt tiền thì sẽ gây rủi ro lớn cho nền kinh tế. Nhưng do không thể giảm mạnh cung tiền, nên cần tăng vòng quay tiền V lên để đảm bảo lượng tiền có đủ cho tăng trưởng kinh tế.
Theo cách trên - tăng V, giảm M2 - thì có thể làm cho M2xV không thay đổi, do đó PxQ cũng không thay đổi (vì M2xV=PxQ). Tuy nhiên, chỉ thế thôi thì chưa đủ để biết được chiều hướng biến động của sản lượng Q, bởi hoàn toàn có khả năng Q giảm đi và giá cả P lại tăng lên để đảm bảo PxQ không đổi.
Vòng quay tiền giảm, nên không cần lo M2 tăng
Một phân tích khác cũng dựa vào thực tế là vòng quay tiền đã giảm đi để đánh giá tác động của M2 lên nền kinh tế. Phân tích này có thể tóm tắt như sau: vòng quay tiền đã giảm đáng kể và đây là đặc trưng cơ bản của khủng hoảng, dẫn đến suy thoái hay đình trệ kinh tế. Do đó, dù M2 tăng mạnh, thì cũng không thể có chuyện tiền tràn ngập thị trường.
Có thể suy đoán rằng, ý của bài phân tích này là, do M2xV sẽ không tăng lên, nên tiền sẽ không trôi nổi, thừa thãi trong nền kinh tế và không gây ra bong bóng tài sản. Nói cách khác, không cần phải lo M2 tăng mạnh khi mà vòng quay tiền V lại giảm đi.
Cần lưu ý rằng, cho dù M2xV không tăng, nhưng đó không phải là lượng tiền do NHNN bơm ra và đang lưu thông trong nền kinh tế. Nó là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ tạo ra trong một thời kỳ (PxQ), theo công thức M2xV=PxQ. Do đó, dù vòng quay tiền V giảm đi và M2xV không thay đổi (tăng), thì từ đó cũng không thể kết luận rằng, tiền không tràn ngập, thừa thãi trong nền kinh tế.