Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho rằng, các động lực hỗ trợ cho tăng trưởng là tương đối rõ ràng và mang tính dẫn dắt mạnh.
Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB |
Trong Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2021, ADB đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,7% cho năm nay, cao hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và mục tiêu Chính phủ đề ra. Đâu là những động lực để Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng này, thưa ông?
ADB rất lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Mặc dù bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp ở các nước láng giềng, nhưng với kinh nghiệm phòng chống dịch, lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, người dân Việt Nam và quyết tâm đưa kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh của Chính phủ sau khi kiện toàn, có thể nhận định, tăng trưởng của Việt Nam năm 2021 tương đối khả quan.
Động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, bởi lĩnh vực này gắn chặt với xuất khẩu. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc đều đang trên đà phục hồi tăng trưởng mạnh hơn dự kiến. Do đó, công nghiệp chế biến chế tạo được dự báo tăng 9,5% trong năm 2021, qua đó dẫn dắt các lĩnh vực khác.
Một động lực quan trọng nữa là đầu tư, gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đầu tư tư nhân là điểm sáng nhờ mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.
Có thể nói, các động lực tương đối rõ ràng và mang tính dẫn dắt mạnh, củng cố nhận định khả quan về tăng trưởng của Việt Nam năm 2021, mặc dù vẫn còn những rủi ro.
Theo ông, đâu là những rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam trong trước mắt và dài hạn?
Rủi ro lớn nhất của Việt Nam cũng như các nước khác vẫn là đại dịch Covid-19, bởi yếu tố không thể lường trước và diễn biến bất ngờ. Đây là rủi ro gần như nằm ngoài tầm kiểm soát.
Tiếp đến là việc triển khai tiêm phòng vắc-xin. Châu Á có tỷ lệ tiêm phòng tương đối thấp so với toàn cầu, trung bình 5,2 liều trên 100 người, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là gần 8 liều. Việc triển khai tiêm phòng vắc-xin chậm là rủi ro lớn.
Về mặt dài hạn, các thách thức của Việt Nam vẫn là những vấn đề như biến đổi khí hậu, hiệu quả thể chế, thách thức về chuyển đổi số…
Thời gian qua, vấn đề chuyển đổi số không chỉ được đề cập là thách thức, mà còn được nhìn nhận là cơ hội cho Việt Nam. Từ góc độ của ADB, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Việt Nam đã đạt nhiều thành quả trong lĩnh vực này. Việt Nam có thể đi sau trong công nghiệp hay dịch vụ, nhưng về chuyển đổi số, Việt Nam không đi sau, mà bình đẳng với các nước khác. Do đó, cơ hội bắt kịp, thậm chí vượt các nước khác là rất lớn và Việt Nam cần tận dụng tốt cơ hội này.
Chuyển đổi số rất quan trọng, bởi nó hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh năng suất tăng thấp, việc cải thiện năng suất lao động đã hết dư địa.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Ông kỳ vọng thế nào về hiệu quả của các chính sách này?
Đây là hỗ trợ kịp thời, cho thấy Chính phủ rất quan tâm đến các doanh nghiệp. Trong năm 2020, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng, tài khóa rất kịp thời, tuy nhiên việc thực hiện đặt ra nhiều vấn đề. Có lẽ nên có đánh giá tổng thể về việc thực hiện, rút ra bài học.
Nhìn lại năm 2020, mức độ tăng cung tiền (M2), tín dụng của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực, mặc dù tăng trưởng GDP chỉ là 2,91%. Bên cạnh đó là sự gia tăng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ cuối quý I/2021, dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ, mặc dù tăng trưởng giảm. Do đó, dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa là không nhiều.
Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đầu tư, công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và mở rộng thương mại.
Bên cạnh đó, dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, các thủ tục, điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, song tốc độ cải thiện chưa đạt như kỳ vọng của các doanh nghiệp. Do đó, cần chú trọng khâu thực hiện, làm sao các chính sách đến với doanh nghiệp một cách thực sự, tránh thủ tục rườm rà.