. |
Trên thực tế, thời gian qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm nhân lực, vật lực và tài lực, đã có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước. Nhưng hạn chế, bất cập không phải là không có. Thực tế cho thấy đã có chuyện phân bổ và sử dụng các nguồn lực chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao, nhiều trường hợp chưa theo cơ chế thị trường, gây lãng phí và làm cạn kiệt nguồn lực của đất nước.
Ở cả ba góc độ nhân lực, vật lực và tài lực, việc quản lý, khai thác và sử dụng đều có vấn đề. Từ chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp; đến việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chưa hiệu quả; rồi lãng phí, thất thoát, bội chi ngân sách còn lớn...
Đó là một trong những lý do mà dù có nhiều tiềm năng tăng trưởng, song kinh tế Việt Nam thời gian qua chưa thực sự bứt phá, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ tụt hậu, sập bẫy thu nhập trung bình…. Đó cũng chính là lý do khiến Việt Nam đang nỗ lực tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trên thực tế, kể từ khi Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được thực hiện từ năm 2013, các chuyên gia kinh tế đã khẳng định rằng, tái cơ cấu kinh tế về bản chất là thay đổi thể chế, cơ chế, công cụ phân bố, quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia, nhất là vốn đầu tư nhằm hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, hiệu quả hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn.
Nhưng đã 6 năm qua đi, quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam dù đã có những thành tựu bước đầu, song còn chậm và chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân một phần được chỉ ra là do về cơ bản, nguồn lực chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn, như chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân, chính thức sang phi chính thức… còn chậm. Trong khi đó, các dòng chuyển dịch này là nhân tố quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng.
Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng, sự phân bổ không hiệu quả các nguồn lực đang níu kéo sức bật của nền kinh tế.
Điều đó cũng cho thấy việc quản lý, sử dụng và phân bổ nguồn lực có vai trò quan trọng như thế nào đối với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, qua đó nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ có điều, việc này đã không được thực hiện rốt ráo và có hiệu quả.
Có lẽ, đó là lý do vì sao, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã phải có một nghị quyết riêng về việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Hơn thế, trong Nghị quyết, Bộ Chính trị đã chỉ rõ, quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế cho phát triển đất nước là “trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân”. Và rằng, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay để khắc phục các tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra.
Rõ ràng, ở thời điểm này, đó chính là mục tiêu sống còn của nền kinh tế. Không nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế thì khó có thể nói đến tái cơ cấu kinh tế thành công, càng không thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vốn đầu tư và lao động sang sử dụng tổng hợp, có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi ấy, cũng không thể nói đến việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp chủ yếu đã được đề cập cụ thể trong Nghị quyết. Việc cần làm bây giờ là cả hệ thống chính trị, vì tương lai phát triển của đất nước, phải thực hiện bằng được Nghị quyết.