Ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế |
Đây là nội dung được đề cập đến của chương trình “Tạp chí Kinh tế và Tiêu dùng” do Kênh VTC1 - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phát sóng ngày 03/7 vừa qua.
Chương trình cho thấy do giá xăng dầu tăng dẫn tới tình hình lạm phát khiến cho giá cả, chi phí chi phí thực phẩm, vận chuyển sản xuất liên tục leo thang đã khiến người dân, doanh nghiệp buộc phải xoay sở trong cơn bão giá, đáng nói đây mới chỉ là một phần trong danh sách dài các khoản giá cả bị tăng phi mã.
Chương trình “Tạp chí Kinh tế và Tiêu dùng” do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC sản xuất với sự đồng hành của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được phát sóng vào 13h00 Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTC1.
Cơn bão giá đã và đang đè nặng lên cuộc sống người dân trong chi tiêu, đơn cử như trong 06 tháng vừa qua: dầu ăn tăng khoảng 30%, nước mắm tăng khoảng 10%, mì tôm tăng khoảng 10%, và đặc biệt từ 21/01 giá xăng đã tăng liên tiếp 7 lần, cụ thể là xăng RON92 tăng khoảng 32% va xăng Ron95 tăng khoảng 33%. Mọi chi phí đều gia tăng khiến người dân đều phải thắt lưng buộc bụng.
Nếu như người dân lựa chọn thay vì mua nhiều chuyển sang mua ít thì doanh nghiệp không thể lựa chọn bán ít hơn, bởi theo luật kinh tế sản lượng càng thấp đơn giá trong mỗi sản phẩm càng cao. Điều này có nghĩa là nếu muốn duy trì lợi nhuận, doanh nghiệp buộc phải giữ giá bán ra dù áp lực giá cả đầu vào tăng cao là rất lớn.
Đối mặt với cơn bão giá toàn cầu không chỉ cần những giải pháp từ chính người dân, doanh nghiệp mà giải pháp linh hoạt từ chính sách cũng đang được kỳ vọng sẽ sớm cân bằng kinh tế thời điểm hiện tại của nước ta.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xăng dầu đã tăng khoảng 50% kèm theo CPI tăng trực tiếp 1,87% và không chỉ có vậy hàng loạt mặt hàng khác sẽ tiếp tục tăng giá theo xăng dầu có thể khiến cho CPI 6 tháng cuối năm tăng thêm khoảng 2%. Bên cạnh đó nhiều dự báo cho rằng xăng dầu sẽ còn tăng mạnh trong nửa cuối năm, thậm chí có thể còn lên tới 40 nghìn đồng/lít xăng nếu không giảm thuế. Chính vì vậy để kiềm chế cơn bão giá, điều quan trọng nhất hiện nay cần phải miễn giảm thêm các loại thuế đối với xăng dầu.
Theo ông Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế: “Một trong những công cụ rất là quan trọng mà cũng là thông lệ thế giới, đó là miễn giảm các loại thuế, phí mà ở trong cấu thành của giá xăng dầu bán lẻ cuối cùng. Và một khi chúng ta kiểm soát và hạn chế được mức tăng của giá xăng dầu thông qua các biện pháp cắt giảm thuế phí như vậy thì sẽ có tác động lan tỏa rất tích cực tới vấn đề kiểm soát mức tăng của giá cả và thông qua đó giúp kiềm chế, kiểm soát lạm phát”.