Dabaco Việt Nam hiện có tiềm lực tài chính khá mạnh, với tổng tài sản lên tới hơn 10.000 tỷ đồng tính đến giữa năm 2020. |
Lợi nhuận tăng
Theo Dabaco Việt Nam, doanh thu quý III/2020 của Công ty ước đạt 3.565 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 425 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 386 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đã đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu lên tới 89% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế tăng tới 1.889,7% do cùng kỳ năm trước Công ty chỉ đạt 19,4 tỷ đồng lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Công ty đạt 11.757 tỷ đồng, tăng 120,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.136 tỷ đồng, tăng 2.317% so với cùng kỳ năm 2019.
Dabaco là một doanh nghiệp ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, nuôi gà giống công nghiệp. Công ty cũng có hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp…
Ngày 17/9 vừa qua, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã chốt danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.500 đồng.
Với hơn 104,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Dabaco đã chi khoảng 157 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông.
Đánh giá sơ bộ về tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, Dabaco cho biết, bước sang tháng 9, đại dịch Covid-19 trong nước dần được kiểm soát tốt hơn, nhưng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, một số địa phương xuất hiện dịch tai xanh, lở mồm long móng và tái bùng phát dịch tả châu Phi, ảnh hưởng chung đến ngành chăn nuôi trong nước.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Dabaco Việt Nam cho biết, Công ty đang xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể, từ việc kiện toàn bộ máy tổ chức, áp dụng khoa học công nghệ vào hệ thống quản trị doanh nghiệp, đến hoạt động tổ chức sản xuất - kinh doanh.
Trong những tháng cuối năm, Dabaco Việt Nam dự kiến triển khai hoàn chỉnh các dự án dở dang gồm 2 tòa nhà cao tầng Lotus Central và Parkview tại TP. Bắc Ninh. Công ty cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây Nhà máy Thức ăn thủy sản Nutreco Hoàn Sơn, đảm bảo cắt băng khánh thành trước kỷ niệm ngày thành lập Công ty (29/3/2021).
Một số công việc khác gồm đẩy nhanh tiến độ Khu nhà ở thị trấn Hồ; Dự án tuyến đường H2 theo hình thức BT và Dự án đối ứng Dabaco Vạn An; triển khai các dự án khu chăn nuôi công nghệ cao tại Bình Phước, Thanh Hóa, Hòa Bình và thành lập các công ty con để triển khai hoạt động đầu tư, vận hành dự án.
Gánh nặng nợ còn lớn
Dabaco Việt Nam hiện có tiềm lực tài chính khá mạnh, với tổng tài sản lên tới hơn 10.000 tỷ đồng tính đến giữa năm 2020. Trong đó, Công ty có vốn điều lệ 1.047,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.713,9 tỷ đồng. “Của để dành” của Công ty cũng khá dồi dào, với 750 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tuy nhiên, quy mô nợ của Dabaco Việt Nam “lấn át”, khi giá trị nợ lên tới 6.375 tỷ đồng, lớn gấp hơn 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 4.583,9 tỷ đồng, chiếm 72% tổng giá trị nợ, riêng giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.054,2 tỷ đồng.
Việc giải quyết các khoản nợ ngắn hạn của Công ty phải phụ thuộc phần lớn vào tài sản chính là hàng tồn kho (tại thời điểm giữa năm là 3.629,6 tỷ đồng). Ngoài hàng tồn kho, các tài sản ngắn hạn khác có giá trị không lớn khi tiền (và tương đương tiền) chỉ 183,4 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn là 503 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 388,3 tỷ đồng… Với tính chất này, Dabaco đang phải đối mặt với rủi ro về thanh khoản, bởi trong số các loại tài sản ngắn hạn nêu trên, thì hàng tồn kho là loại tài sản có tính thanh khoản thấp nhất.
Ngay cả trong cơ cấu hàng tồn kho, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, với giá trị lên đến 1.556,3 tỷ đồng. Tài sản này chưa trở thành thành phẩm, nên Dabaco Việt Nam chưa thể đưa bán ra thị trường để thu tiền ngay được. Hàng tồn kho là thành phẩm chỉ là 256 tỷ đồng, hàng tồn kho là hàng hóa chỉ là 79 tỷ đồng.
Thế chấp hàng tồn kho để vay ngân hàng
Hàng tồn kho của Dabaco còn bị hạn chế thanh khoản hơn nữa khi một số đã được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng.
Cụ thể, hàng tồn kho tại Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp Topfeeds tại Khu công nghiệp Khắc Niệm, Bắc Ninh được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam với giá trị tối thiểu tương đương 8 triệu USD.