Biểu đồ Vay và nợ thuê tài chính tại Hà Đô từ năm 2015. |
Chạy đua giành giá điện ưu đãi
Hơn 5.400 tỷ đồng là số dư vay và nợ thuê tài chính của Hà Đô tính đến ngày 30/6 - con số kỷ lục từ khi doanh nghiệp này thành lập. Dư nợ của Công ty sẽ tiếp tục tăng sau đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi dự kiến hoàn tất tháng 10 này. 300 tỷ đồng trong số tiền thu được sẽ phục vụ Thủy điện Đăk Mi 2 thuộc sở hữu của Công ty Năng lượng Agrita - Quảng Nam, công ty con mà Hà Đô vừa mua lại.
Không riêng đợt phát hành trên, việc 76% dư nợ của Hà Đô nhằm phục vụ dự án năng lượng cũng cho thấy mảng kinh doanh này là nguyên nhân khiến khoản nợ của doanh nghiệp trên “phình to”.
Nhìn lại 10 năm kể từ khi Hà Đô tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, công suất phát điện gần như không thay đổi và phải tới năm 2018 mới tăng gấp đôi, lên 119 MW, tăng thêm 40 MW trong năm nay. Với tổng công suất gần 266 triệu Kwh, tổng doanh thu mảng năng lượng trong 9 tháng đầu năm của Hà Đô đạt 410 tỷ đồng, lợi nhuận gần 183 tỷ đồng. Nhưng tham vọng của Hà Đô là mang về 2.500 tỷ đồng từ bán điện vào năm 2021.
Hồng Phong 4.1 là dự án điện mặt trời đầu tiên góp thêm 40 MW vào tổng công suất phát điện của Hà Đô từ tháng 6/2019. Chính sách ưu đãi về giá đối với điện mặt trời tại một số vùng được nới thêm một năm, còn với điện gió sẽ hưởng giá mua điện 8,5 UScent (1.928 đồng) đến ngày 1/11/2021. Trong kế hoạch mở rộng, Hà Đô vẫn còn 3/5 dự án tiếp tục chạy đua để kịp thời gian vận hành thương mại, gồm Điện mặt trời Bắc Ái, Điện gió Tiến Thành 1, Điện gió 7A Thuận Nam đều nằm ở Ninh Thuận.
Ngoài ra, doanh nghiệp này đang triển khai 2 dự án thủy điện dự kiến phát điện thương mại vào cuối năm 2020 và quý I/2021. Kế hoạch mua bán, sáp nhập (M&A) của Hà Đô cũng gồm cả việc đàm phán mua thêm một nhà máy thủy điện.
Gánh nặng nợ vay
Mạnh tay đầu tư các dự án điện trong những năm gần đây, lãnh đạo Hà Đô nhấn mạnh, một ưu điểm của các dự án này là dòng tiền mang về đều và ổn định. Điều này khác với các dự án bất động sản khi điểm rơi lợi nhuận thường tập trung theo thời điểm bàn giao dự án.
“Dự án điện của Hà Đô có lợi thế suất đầu tư hiệu quả hơn trung bình ngành, thời gian thi công nhanh và chi phí đầu tư thấp hơn so với dự toán. Chi phí cho đội ngũ vận hành được tiết giảm do các nhà máy gần nhau. Với các dự án điện, chi phí vận hành thường chỉ chiếm 5% doanh thu. Dựa trên hợp đồng mua bán điện đã ký theo thời hạn dài, phương án khấu hao và trả lãi vay của dự án, kế hoạch tài chính tương đối chắc chắn”, lãnh đạo Hà Đô cho hay.
Nhưng dòng tiền ổn định từ dự án vẫn có rủi ro đi chệch kế hoạch. Trong khi thủy điện phụ thuộc vào lưu lượng nước, thì các dự án điện mặt trời và điện gió có thể vướng ở đầu ra khi hợp đồng mua bán điện mẫu tồn tại điều khoản Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền chấm dứt hợp đồng và không có trách nhiệm bồi thường cho nhà sản xuất.
Việc giải tỏa công suất để tránh quá tải lưới đã xảy ra tại hơn 20 dự án trong vài ngày cuối tháng 6/2019, khi nhiều dự án điện đồng loạt đưa vào vận hành thương mại. Dù có 2 dự án điện mặt trời tại điểm nóng 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, nhưng Hà Đô khá tự tin dự tính không bị ảnh hưởng nhiều, ít nhất chưa nằm trong danh sách dự án có nguy cơ giải tỏa công suất đến hiện tại.
Bên cạnh rủi ro về kỹ thuật, lãnh đạo Hà Đô cũng thừa nhận, đầu tư cho ngành điện là cuộc chơi đòi hỏi nguồn vốn lớn. Dồn lực cho dự án điện mặt trời, đồng thời theo đuổi 2 dự án thủy điện, dư nợ vay ngân hàng riêng mảng này cuối quý II/2019 của Công ty đạt xấp xỉ 4.100 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Chinh, Giám đốc Tài chính của Hà Đô cho biết, số tiền dành cho dự án năng lượng tái tạo giai đoạn 2019-2023 là 10.000 tỷ đồng, mảng bất động sản cũng cần vốn đầu tư 12.667 tỷ đồng. Trong khi bất động sản còn huy động được tiền khách hàng trả trước khi dự án đủ điều kiện mở bán, thì năng lượng sẽ phải phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Theo Giám đốc Tài chính của Hà Đô, lợi thế với lĩnh vực năng lượng tái tạo khi vay vốn đầu tư giai đoạn này là mức lãi suất khá ưu đãi, chỉ khoảng 8,4%/năm. Bên cạnh đó, khoản vay có kỳ hạn dài, phương án trả nợ cũng được chia nhỏ trong nhiều năm tương ứng dòng tiền về của dự án và được thế chấp bằng chính dự án.
Với tham vọng đầu tư nhiều dự án cùng lúc, cả trong lĩnh vực năng lượng và bất động sản, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hà Đô dự kiến lên cao nhất, ở mức 2,4 lần, vào năm 2020. Chi phí lãi vay và khấu hao sẽ vẫn là gánh nặng cho Công ty, đặc biệt khi nguồn thu đổ về không như kế hoạch. Một phương án có thể giúp Hà Đô nhẹ gánh hơn cũng đã được doanh nghiệp này tính đến là có thể bán 49% vốn cho đối tác chiến lược và cũng đã có những nhà đầu tư quan tâm.
Mảng kinh doanh chính đóng vào doanh thu Hà Đô là lĩnh vực bất động sản với 2.165 tỷ đồng. Nguồn thu từ bán điện 9 tháng qua dù ít hoạt động xây lắp, nhưng lại có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn, nhờ đó mang về lãi gộp gấp 9 lần mảng xây dựng (183 tỷ đồng).