- Bộ Công thương: Xử lý nghiêm sai phạm tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam
- Hàng loạt lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam bị đề nghị thi hành kỷ luật
- Công ty mẹ Vinachem đặt kế hoạch không có khoản nợ quá hạn năm 2023
- Vinachem tìm kiếm nhà đầu tư cho Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào (lần 2)
- Vinachem tìm kiếm nhà đầu tư cho Dự án Khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Vinachem không có nhiều thuận lợi khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bởi có đến 4 đơn vị nằm trong 12 dự án yếu kém của ngành Công thương. Song, Vinachem luôn có ý thức nỗ lực vươn lên, chắt chiu mọi cơ hội, phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nỗ lực ấy được thể hiện mạnh mẽ trong giai đoạn 5 năm vừa qua, khi tình hình kinh tế - xã hội đất nước và thế giới khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng Vinachem đã đạt được những kết quả ấn tượng, đặc biệt là năm 2022, với kết quả sản xuất, kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận tăng cao kỷ lục trong hơn 52 năm thành lập.
Một trong những yếu tố làm nên thành công đó là do Vinachem luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, các bộ, ngành, nhất là của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban luôn có sự quan tâm, lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp, ban hành các chính sách gỡ khó kịp thời. Đối với những khó khăn vượt khỏi phạm vi giải quyết, Ủy ban nhanh chóng có công văn, kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ để hỗ trợ.
Đặc biệt, 4 đơn vị khó khăn của Vinachem luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ủy ban. Đến nay, cả 4 dự án, doanh nghiệp yếu kém thuộc Vinachem đã có sự chuyển biến tích cực. Điển hình là Dự án của Công ty CP DAP-Vinachem, từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án này đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Ba dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón còn lại của Vinachem cũng duy trì được sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với thiết kế.
Chủ động thích ứng linh hoạt trong đại dịch
Năm 2020 và 2021 đánh dấu những khó khăn rất lớn của nền kinh tế vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nguyên vật liệu, thiết bị phụ tùng nhập khẩu từ các nước có dịch bệnh nhiều thời điểm bị thiếu nguồn cung và hoạt động vận chuyển, logistics gặp khó khăn, dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu cho sản xuất, phụ tùng thay thế, đẩy giá bán tăng cao. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng làm đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu, nhiều ngành sản xuất bị đình trệ, không có đơn hàng mới.
Trong bối cảnh đó, Vinachem đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Tập đoàn nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi làm việc, nhà xưởng, tổ chức phương án đưa đón công nhân, ăn ca... với hình thức “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” theo khuyến cáo của cơ quan y tế, tránh nguy cơ phải cách ly và ngừng sản xuất.
Cùng với đó, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành hóa chất cơ bản, chất tẩy rửa, thuốc sát trùng đảm bảo sản xuất các sản phẩm ô-xy y tế, chất tẩy rửa, sát khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Các đơn vị trong Tập đoàn đã rất tích cực thực hiện chỉ đạo. Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam đã sản xuất thành công và cung cấp ra thị trường sản phẩm Cloramin B (trước đây phải nhập khẩu 100%), đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19, phát huy tốt vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong phòng chống dịch bệnh.
Trong năm 2021, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Vinachem đều vượt kế hoạch và tăng mạnh so với thực hiện năm 2020. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế đạt 50.409 tỷ đồng, bằng 119,6% so với kế hoạch năm 2021, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 2.128 tỷ đồng, tăng 4.247 tỷ đồng so với năm 2020.
Năm 2022, với tinh thần nỗ lực, quyết tâm, toàn Tập đoàn đã đạt giá trị sản xuất công nghiệp 61.504 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu cộng hợp đạt 62.337 tỷ đồng, bằng 119% kế hoạch, tăng 17% so với năm 2021. Lãi 6.263 tỷ đồng, tăng 4.135 tỷ đồng so với năm 2021. Nộp ngân sách 2.349 tỷ đồng, bằng 137% so với kế hoạch năm 2022.
Với kết quả đạt được, Tập đoàn đã đảm bảo việc làm cho 19.000 lao động với tiền lương bình quân 13,6 triệu đồng/tháng.
Năm 2023, Tập đoàn đặt mục tiêu sản xuất công nghiệp theo giá trị thực tế đạt 54.549 tỷ đồng; doanh thu cộng hợp đạt 57.152 tỷ đồng; lợi nhuận cộng hợp đạt 3.471 tỷ đồng
Công tác tái cơ cấu được triển khai đồng bộ tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh. Theo đó, Tập đoàn đã phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai công tác xác định giá trị doanh nghiệp tại 23 doanh nghiệp; tổ chức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán đối với 14 doanh nghiệp; thoái vốn thành công và thành công một phần tại 9 doanh nghiệp. Giá trị thu được là 3.206 tỷ đồng, lợi nhuận thuần là 2.948 tỷ đồng. Nguồn lực này đã góp phần giúp Tập đoàn cơ cấu lại tài chính công ty mẹ và tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính.