Chiều 30/11/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng Nông thôn mới theo hướng xã hội hóa. |
Hội nghị tổng kết, đánh giá việc tổ chức triển khai cũng như kết quả thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng Nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020 (gọi tắt là Đề án 712). Đồng thời, Hội nghị cũng sẽ đề xuất chủ trương, cơ chế, chính sách và giải pháp chủ yếu để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2021 – 2025.
Đề án 712 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thiện và nhân rộng các mô hình về bảo vệ môi trường theo hướng xã hội hóa, tập trung tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo trên một số lĩnh vực môi trường có nhiều bức xúc hiện nay gồm: lĩnh vực cấp nước sạch tập trung; xử lý chất thải rắn quy mô liên xã và xử lý chất thải chăn nuôi; xây dựng mô hình thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật và mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Đề án 712 cũng đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tại nhiều địa phương, công tác bảo vệ môi trường đã dần được quan tâm và có chuyển biến rõ nét: hệ thống cấp nước sạch đã được đầu tư và vận hành với tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch và tỉ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung ngày càng tăng lên.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam (phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Hiếu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP Sóc Trăng. |
Công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, các khu, cụm công nghiệp và làng nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Mạng lưới thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được hình thành và từng bước vận hành có hiệu quả, góp phần tăng tỉ lệ chất thải được thu gom và xử lý. Hiện có hơn 66% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom và xử lý, tăng khoảng 10 - 20% so với năm 2017.
Các địa phương bước đầu đã triển khai tương đối đồng bộ công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường từng bước có sự chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình tuyên truyền và thu gom rác thải được các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng đã đem lại hiệu quả thiết thực tại các địa phương.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, cảnh quan nông thôn đã được quan tâm, chú trọng với hàng trăm mô hình ở hầu khắp các địa phương thực hiện các phong trào “sạch từ nhà ra ngõ”, “đường làng nở hoa”, “tuyến đường bích họa”… thu hút được các tổ chức chính trị - xã hội và người dân tham gia.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thực hiện Quyết định 712 của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng đã được Trung ương đầu tư 26 tỷ 150 triệu đồng xây dựng hệ thống nước uống cho 51 trường học, 11 trạm y tế trên địa bàn các xã đảo thuộc 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách. Đây là dự án hết sức thiết thực trong điều kiện các địa phương đang chịu tác động biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn như hiện nay”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định: “Việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nói chung cũng như việc triển khai thực hiện Đề án 712 còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo triển khai Đề án, nhiều mô hình đã được xây dựng nhưng chưa hoàn thiện và việc tổ chức nhân rộng chưa được chú ý, quan tâm. Công tác xã hội hóa còn nhiều khó khăn, nhất là việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thực hiện Đề án ở những vùng khó khăn, biên giới, hải đảo”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong tham gia thực hiện Đề án 712. |
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nông thôn và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM gắn với việc triển khai thực hiện Luật bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và các bên liên quan.
Mặt khác, trong thời gian qua, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải để áp dụng, do vậy, cần có hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ cho các địa phương để dễ dàng áp dụng vào thực tế. Đồng thời đánh giá và giới thiệu các công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến và phù hợp với đặc thù khu vực nông thôn. Trước mắt, cần tập trung vào các loại công nghệ nhiều địa phương cần được chuyển giao như công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, kỹ thuật phân loại rác thải tại nguồn…