Chuyển đổi số - Kinh tế số
Tập trung quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử
Mạnh Bôn - 20/10/2024 12:00
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành thuế đã và đang tập trung triển khai giải pháp đẩy mạnh quản lý thu thuế kinh doanh thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế).

Thưa bà, trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này được thực hiện thế nào để tránh thất thu ngân sách nhà nước?

Xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử là không thể đảo ngược, vì vậy, ngành thuế tập trung nhân lực, trí tuệ, công nghệ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó trọng tâm là Chỉ thị 18/CT-TTg (ngày 30/5/2023) về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.

Từ đầu năm, ngành thuế tổ chức cuộc họp triển khai công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành hàng loạt công văn, công điện về việc tăng cường công tác quản lý thuế; quyết liệt triển khai hiệu quả việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử...

Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế gửi thư ngỏ tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam; đồng thời có công văn yêu cầu lãnh đạo cục thuế các địa phương tiếp tục chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát sao, quyết liệt trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại địa phương.

Năm nay, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế. Dự kiến thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm thế nào và thu từ thương mại điện tử đóng góp ra sao, thưa bà?

Trong 9 tháng đầu năm, ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn 102.676 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đã giảm thu NSNN 22.748 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước (không kể dầu thô) trong 9 tháng đầu năm nay vẫn đạt 82,3% dự toán và tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng lưu ý là thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 85,5%; thuế thu nhập cá nhân đạt trên 89% dự toán và tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.

Với tiến độ này, năm nay khả năng thu ngân sách vượt dự toán và tăng so với năm 2023 khá cao.

Có nhiều nguyên nhân khiến NSNN tiếp tục tăng thu và vượt dự toán, trong đó có sự đóng góp hàng chục ngàn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh trên nền tảng số. Chỉ tính riêng 111 nhà cung cấp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin,

trong đó có nhiều tên tuổi lớn, như Apple, Meta, Google, Microsoft, TikTok, Netflix… đăng ký và được cấp mã số thuế qua Cổng thông tin điện tử Etaxvn.gdt.gov.vn đã nộp hơn 6.234 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 124% so với cùng kỳ 2023. Có thể nói, nhà cung cấp nước ngoài hợp tác rất chặt chẽ với cơ quan thuế Việt Nam trong việc khai thuế, nộp thuế, chấp hành rất tốt chính sách thuế của Việt Nam.

Bà đánh giá thế nào về việc chấp hành pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh thương mại điện tử?

Nhìn chung, các sàn thương mại điện tử đã thực hiện khá tốt Nghị định số 91/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên mạng. Đến nay, đã có 929 website và 284 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều sàn thương mại điện tử chưa thực hiện cung cấp thông tin, hoặc chưa cung cấp thông tin đầy đủ theo quy định

Quản lý thuế đối với cá nhân bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, nền tảng số có phức tạp hơn so với quản lý thuế tổ chức, cá nhân kinh doanh truyền thống, thưa bà?

Mọi tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh đều có nghĩa vụ nộp thuế cho NSNN (trừ trường hợp có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm), không phân biệt kinh doanh thu truyền thống hay trên nền tảng số. Thuế suất và cách tính thuế giữa kinh doanh truyền thống và kinh doanh trên nền tảng số không có sự phân biệt.

Trên thực tế, có không ít người kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên mạng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế là do chưa hiểu về chính sách thuế. Chính vì thế, ngành thuế coi việc tăng cường công tác tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng, kinh doanh trên nền tảng số là nhiệm vụ trọng tâm. Chúng tôi đã và đang tuyên truyền đồng bộ bằng nhiều hình thức, như qua phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị tập huấn; đối thoại trực tiếp với người nộp thuế; bố trí nhân sự, thiết lập số điện thoại, email riêng để tiếp nhận vướng mắc, hỗ trợ người nộp thuế...

Nhưng thưa bà, hàng triệu người kinh doanh trên mạng không có cơ hội hoặc thời gian để tiếp cận thông tin qua hình thức tập huấn, đối thoại trực tiếp hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được hỗ trợ, giải đáp vướng mắc?

Hiểu được khó khăn này, nên như tôi đã nói, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã gửi thư ngỏ đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Trong thư ngỏ, ngành thuế khẳng định hỗ trợ tối đa cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Một trong những việc mà ngành thuế đã làm là hệ thống lại các tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế tại Trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế, nên bất cứ hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nào muốn tìm hiểu đều có thể truy cập ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hay ý kiến, đề nghị hộ gia đình, cá nhân liên hệ trực tiếp tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác