Đầu tư
Tây Nguyên cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng
Hoàng Thủy - 17/05/2015 09:39
Hôm nay (17/5), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3. Đây là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên liên kết kêu gọi đầu tư có hiệu quả vào khu vực. Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên nhận định như vậy .
Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên

Thưa ông, tình hình thu hút đầu tư vào Tây Nguyên trong thời gian qua có gì đáng chú ý?

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và sự năng động sáng tạo của các tỉnh Tây Nguyên trong việc xúc tiến đầu tư, nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên đã liên tục tăng, nhất là giai đoạn 2001-2010.

Trong các năm 2002-2010, tổng vốn đầu tư của toàn vùng Tây Nguyên tăng bình quân trên 20%/năm, đặc biệt các năm 2004, 2005, 2008, 2009 và 2010 có tốc độ tăng từ 25-36%. Từ năm 2011 đến nay, do Chính phủ cắt giảm đầu tư công, cùng với những khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tốc độ tăng của đầu tư giảm rõ rệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng năm 2011 chỉ tăng 6,65% và đến năm 2013 mới phục hồi ở mức tăng 17,35%.

Các dự án hạ tầng (giao thông, thủy lợi, thủy điện) đã tạo điều kiện cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi bộ mặt khu vực, tạo điều kiện cho Tây Nguyên duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.

Giai đoạn 2001-2005, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt 40.100 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng từ 6,79% năm 2001 lên 13,33% năm 2005. Giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư toàn vùng đạt 130.400 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm 13,56%. Từ 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư toàn vùng đạt 147.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức 8,4 đến 11,5%.

Ông đánh giá thế nào về cơ cấu vốn đầu tư hiện tại ở Tây Nguyên?

Nhìn chung, các ngành sản xuất có thế mạnh (nông nghiệp, thủy điện) của Tây Nguyên đã được tập trung đầu tư. Trong cơ cấu vốn đầu tư tại Tây Nguyên, đầu tư cho nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (18-19%). Tiếp đến là đầu tư cho sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (12-13%); vận tải, kho bãi (7-9%); kinh doanh bất động sản (6-9%); xây dựng (6-9%). Năm ngành nói trên đã chiếm tới 60% tổng vốn đầu tư cho 20 ngành kinh tế tại Tây Nguyên.

Đến thời điểm hiện tại, các dự án thủy điện lớn thuộc quy hoạch thủy điện bậc thang trên địa bàn Tây Nguyên đều đã được khởi công xây dựng, phần lớn đã hoàn thành, phát điện. Các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu quan tâm tới việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tây Nguyên: trồng rau, hoa, trồng cỏ và chăn nuôi bò sữa, nuôi cá nước lạnh…

Tuy nhiên, cơ cấu vốn đầu tư vào Tây Nguyên vẫn còn một số hạn chế, chẳng hạn như vốn đầu tư vào Tây Nguyên chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng vốn đầu tư của cả nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên còn rất hạn chế cả về số dự án, số vốn, vốn bình quân một dự án và tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng….

Tây Nguyên cần làm gì để thúc đẩy đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?

Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển nông, lâm nghiệp (nhất là trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc), chế biến nông lâm sản, thủy điện, khai thác, chế biến bauxit và du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Song, sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát, không theo quy hoạch, thậm chí vượt quá giới hạn cho phép của một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong những năm qua đã làm cho việc nhận thức về các tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên cần có những sự điều chỉnh nhằm xác định phương hướng đầu tư khai thác phù hợp.

Trong thời gian tới, Tây Nguyên cần ưu tiên đầu tư theo hình thức BOT để cải tạo, nâng cấp các quốc lộ hiện có, nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ, nhất là các tuyến có lưu lượng vận chuyển cao (quốc lộ 19, 26, 20); hình thành các tuyến mới kết nối đường 14C với đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông và Quốc lộ 1 để nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống giao thông Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thông qua việc đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc) ở mỗi tỉnh, mỗi tiểu vùng, làm hạt nhân để nhân rộng ra cộng đồng theo hướng tạo nên những tổ hợp sản xuất - thu mua - bảo quản - chế biến - tiêu thụ nông sản.

Đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông - lâm sản gắn các với vùng nguyên liệu hiện có theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực hiện việc gắn kết giữa cơ sở chế biến với doanh nghiệp, nông hộ sản xuất. Ưu tiên đầu tư phát triển các cơ sở chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm nghiệp thế mạnh của Tây Nguyên (cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, gỗ). Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, vật tư phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa bàn…

Trong lĩnh vực du lịch, khuyến khích, hỗ trợ liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn và các doanh nghiệp tại các tỉnh Nam Trung Bộ và TP.HCM, hình thành các sản phẩm, các tuyến du lịch, khai thác tiềm năng du lịch của từng tỉnh, của vùng.

Tin liên quan
Tin khác