Thời sự
Tây Nguyên liên kết để bứt phá
Hoàng Thủy - 17/12/2013 08:47
Năm địa phương - “5 ngón tay” Tây Nguyên đang tìm cách chụm lại để tạo một “nắm đấm” đủ mạnh giúp cả vùng bứt phá trong thời gian tới. >>> Tây Nguyên bàn cơ chế liên kết xúc tiến đầu tư >>> Gia Lai, cửa  ngõ kết nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung >>> Đường Hồ Chí Minh chạy đua với mùa khô Tây Nguyên

Vùng kinh tế năng động

Quyết định 936/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên đến năm 2020 nhấn mạnh, cần phải khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng Tây Nguyên; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng với cả nước, nhằm huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của vùng so với cả nước.

   
  Thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: M.T  

Tây Nguyên phải thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm xây dựng nền kinh tế sức cạnh tranh cao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Theo đó, mức GDP bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 đạt 8,7%, GDP bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng vào năm 2015 và đến 2020 đạt 46 triệu đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, đây là vùng sản xuất nhiều loại nông sản chủ lực với sản lượng lớn, giá trị kinh tế cao và có lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước như cà phê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả...

Công nghiệp Tây Nguyên từng bước phát triển về quy mô và trình độ công nghệ, tập trung vào một số ngành như thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng và chế biến nông sản. Dịch vụ, nhất là thương mại, vận tải, viễn thông, ngân hàng, phát triển khá nhanh và thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng đang phát triển khá nhanh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng, giao lưu với các tỉnh Đông Nam Bộ, TP.HCM, Duyên hải miền Trung, với Lào và Campuchia.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã khai thác, phát huy lợi thế của từng địa phương, tích cực, chủ động trong công tác vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư và có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, tạo môi trường pháp lý thông thoáng để thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước.

Do vậy, thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2009, lần đầu tiên, các tỉnh Tây Nguyên đã liên kết cùng tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ nhất (tại TP. Buôn Ma Thuột tháng 9/2009) và đã mang lại kết quả đáng kể. Theo thống kê của các địa phương, từ năm 2009 đến tháng 12/2012, tổng vốn đăng ký đầu tư của vùng đạt bình quân trên 30.000 tỷ đồng/năm, tăng cao so với các năm trước đó (bình quân 16.500 tỷ đồng/năm).

Năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên đã liên kết cùng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 (tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai vào tháng 4/2013). Tại đây, lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của 11 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 16.149,09 tỷ đồng và 11,5 triệu USD; hầu hết các dự án đầu tư vào những lĩnh vực chế biến cà phê, cao su, dịch vụ và du lịch...

Tây Nguyên cũng là một trong những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển và dân sinh. Trong đó, chương trình an sinh xã hội đã có 14 ngân hàng, tập đoàn, công ty, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ 248,39 tỷ đồng để xóa nhà tạm cho hộ nghèo và xây dựng trường học ở vùng sâu vùng xa...

Tuy nhiên, so với các vùng khác trong cả nước, kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư còn nhỏ, công nghệ lạc hậu và tập trung chủ yếu ở khu đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém và chưa đồng bộ.

Để Tây Nguyên khai thác đúng tiềm năng và phát triển năng động, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ban, ngành đã phối hợp xây dựng và trình Chính phủ Đề án Phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến năm 2020.

Đặc biệt, các bộ, ngành cùng địa phương kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu chính phủ đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14). Đến nay,  Tây Nguyên đã triển khai 5 dự án BOT, với chiều dài 207 km, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 14.

Mặc dù vậy, kết quả thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Nỗ lực của chính quyền các địa phương trong vùng nhằm thu hút đầu tư tuy đã có chuyển biến tích cực, nhưng còn manh nha, thiếu sự liên kết vùng, để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng.

Bài toán liên kết

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên 2013 diễn ra tại TP. Pleiku (Gia Lai) vào tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, phát triển Tây Nguyên phải bằng các giải pháp, chính sách đặc thù, nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, tăng cường liên kết với các khu vực và trung tâm đô thị lớn.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo rà soát, thu xếp nguồn vốn đầu tư nâng cấp những tuyến giao thông chính, trong đó có Quốc lộ 14, Quốc lộ 19 liên kết Tây Nguyên với các khu vực khác, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa.

Thủ tướng muốn nhấn mạnh, vai trò của sự liên kết phát triển là rất cần thiết cho Tây Nguyên. Chỉ có liên kết thì Tây Nguyên mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy hết tiềm năng, nâng cao năng lực canh tranh vùng, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư.

Đây cũng là vấn đề trọng tâm nhất của Hội nghị “Liên kết Xúc tiến đầu tư và thúc đẩy giải ngân cam kết đầu tư, an sinh xã hội Tây Nguyên 2013” diễn ra tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) sáng nay (16/12) do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức.

Hội nghị sẽ là cơ hội để 5 địa phương Tây Nguyên ngồi lại với nhau, cùng nhìn về một hướng, cùng xây dựng một cơ chế hợp tác, liên kết trong xúc tiến đầu tư. Hợp tác này dựa trên sự bình đẳng, các bên cùng có lợi, trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển.

Các địa phương cũng nhìn thấy rõ mục tiêu của sự liên kết này là tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư mang tính chất hợp tác, nhằm chia sẻ thông tin, qua đó, xây dựng cơ chế giao lưu, liên kết, phối hợp các tỉnh Tây Nguyên trong hoạt động xúc tiến. Đặc biệt, sự hợp tác này sẽ giúp các địa phương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển cho Tây Nguyên và hướng tới sự nhất quán, đồng thuận giữa các địa phương.

Còn quá sớm để khẳng định sự thành công của chương trình hợp tác này, nhưng ít ra cũng đã có được đáp án cho bài toán liên kết giữa các địa phương Tây Nguyên để tạo nên một thương hiệu vùng. Dễ dàng nhận thấy, thành công bước đầu chính là “5 ngón tay” Tây Nguyên gộp lại để tạo một “nắm đấm” đủ mạnh giúp Tây Nguyên bứt phá trong thời gian tới.

Tin liên quan
Tin khác