Tết của người Hà Nội đầu thế kỷ XX
Thời ấy, gia đình bình dân không thể thiếu bánh chưng, cây đào. Nhà khá giả chuẩn bị thêm bộ đồ Tây, rượu ngoại hay chăm chút cho củ thủy tiên nở đúng đêm giao thừa...
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN | |
Tết trong cung đình Huế xưa | |
Vì sao có câu "mâm cao, cỗ đầy" ? | |
Dự báo thời tiết 9 ngày Tết Nguyên Đán |
Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX, chợ hoa lớn nhất nằm trong chợ Đồng Xuân, nhưng vì diện tích không đủ nên người mua, người bán kéo sang cả các phố Hàng Khoai, Hàng Lược. Ảnh này chụp chợ Đồng Xuân ngày giáp Tết Kỷ Tỵ 1929, bên trái là đình phường Đồng Xuân, nay trở thành số nhà 83 Hàng Giấy. |
Một góc chợ hoa Hàng Khoai ngày Tết. Phố Hàng Khoai xưa kia là nơi tập trung bán khoai, sắn của nông dân mấy tổng lân cận canh tác nơi đất bãi sông Hồng. Mỗi năm vào dịp Tết phố trở thành chợ bán hoa. Sau này hình thành thêm phố Hàng Lược chuyên bán hoa ngày Tết, trong đó chủ yếu là đào và thủy tiên. |
Người Hà thành quan niệm ngày Tết không thể thiếu nhành hoa, bức tranh, câu đối. Giáp Tết, những gia đình buôn bán huy động nhiều thành viên tản mác ra các phố để bán hàng. Hai cậu bé này cũng phụ giúp bố mẹ bán đào ở chợ Đồng Xuân Tết năm 1929. |
Người xưa có câu "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Người Hà Nội nổi tiếng thanh lịch từ lời ăn, tiếng nói cho đến những thú vui tao nhã. Ngày xưa, các gia đình giàu có thường mua những chậu thủy tiên cho cô con gái rượu cắt gọt để hoa nở đúng giao thừa. Trong ảnh là một cửa hàng bán hoa thủy tiên, Tết 1929. |
Một góc chợ bán cam ngày Tết đầu thế kỷ XX. Cam được đựng trong sọt, vận chuyển từ các vùng nông thôn vào chợ thành thị. Quả cam không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết từ xưa tới nay. |
Chợ bán lá dong ngày Tết năm 1929. Người tinh tế thường đi chợ sớm để mua được những lá dong nếp, dáng bầu, to vừa phải. Sau khi rửa sạch còn đem buộc lên cây cột gỗ lim đầu hè để lá dốc nước, vài ngày sau mới gói bánh chưng. |
Bánh chưng, bánh giầy là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam. Ngày xưa khâu chuẩn bị gói bánh chưng là hoạt động tấp nập, vui vẻ nhất những ngày trước Tết Nguyên đán. Người người, nhà nhà mua lá, đãi gạo, đậu, chọn thịt nửa, nửa nạc rồi gói những chiếc bánh vuông vức. Sau đó cùng nhau thức cả đêm canh nồi bánh, sáng hôm sau mới vớt ra, ép cho dốc nước để bảo quản được lâu. |
Xưa kia cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, phố Hàng Bồ lại tấp nập người bán, người mua chữ. Ở phố này người ta thường bán những bồ đựng thóc đan bằng cật nứa và các ông đồ viết sẵn chữ treo lên cái bồ, hễ có người đến mua là mang ra bán. |
Chơi cây cảnh là một nét đẹp của người Hà Nội. Ngày xưa, thú chơi này chỉ ở trong các gia đình quyền quý. Từ vài tháng trước Tết các cụ đã chăm chút cho những cây cảnh trong vườn nhà, cần mẫn uốn tỉa, rồi chọn cây đẹp nhất đặt một góc trang trọng trong nhà thưởng ngoạn ngày xuân. |
Người Việt từ xưa đến nay luôn đề cao chữ hiếu, nhất là mối quan hệ con rể - bố mẹ vợ. Ngày Tết là dịp để con rể thể hiện chữ hiếu với bố mẹ vợ. Trong ảnh là một cậu rể mới dâng chậu hoa quý lên gia đình nhà vợ vào sáng mùng 1 Tết. |
Không gian Tết của một gia đình giàu có ở Hà Nội không thể thiếu cành đào, hoa thủy tiên, bức tranh và đôi câu đối. |
Đầu thế kỷ XX, kỹ thuật chụp ảnh còn thô sơ và chi phí đắt đỏ. Chỉ những gia đình có điều kiện mới lưu lại được vài bức ảnh vào dịp Tết. Trong ảnh một gia đình tứ đại đồng đường họp mặt trong ngày đầu xuân. |
Ngày Tết ở đình làng cũng là một truyền thống của người dân Hà Nội trước đây. Đình làng là ngôi nhà chung của cộng đồng làng xã người Việt, thực hiện các chức năng như hành chính, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa. |
Phan Dương (VnExpress.net)
Tin liên quan
Tin khác