Doanh nghiệp
TH khởi công dự án tại Viễn Đông; Lộc Trời trả nợ bà con; Quốc Cường Gia Lai bán thủy điện
Khánh An tổng hợp - 26/05/2024 08:37
TH khởi công dự án 19 tỷ rub tại Viễn Đông; Vinaconex rút khỏi dự án động lực của Quảng Ninh; Lộc Trời hoàn tất thanh toán tiền nợ bà con nông dân; Taseco Land vay ngàn tỷ làm dự án khu công nghiệp tại Hà Nam; Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện...

TH khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Viễn Đông

Tập đoàn TH khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với tổng vốn đầu tư 19 tỷ rub (hơn 5.200 tỷ đồng) tại Yakovlevsky, lãnh thổ Primorsky Krai, Liên bang Nga.
Tập đoàn TH khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa với tổng vốn đầu tư 19 tỷ rub (hơn 5.200 tỷ đồng) tại Yakovlevsky, lãnh thổ Primorsky Krai, Liên bang Nga

Đây là bước đi tiếp theo trên hành trình kiên định thực hiện dự án đầu tư tại Liên bang Nga của TH, sau những dấu mốc thành công tại tỉnh Kaluga và tỉnh Moscow, nơi các trang trại và nhà máy TH được coi là các dự án trọng điểm phát triển kinh tế của vùng.

Dự án xây dựng trang trại quy mô 6.000 con bò vắt sữa (tổng đàn 12.000 con); Nhà máy chế biến sữa công suất 250 tấn/ngày; Khai thác vùng nguyên liệu rộng 13.000 ha.

Phát biểu tại lễ khởi công dự án, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH nhấn mạnh những hạng mục đầu tiên của trang trại chăn nuôi bò sữa - ngôi nhà ấm áp của 6.000 bò vắt sữa trong tương lai gần sẽ nhanh chóng được triển khai.

Để thực hiện kế hoạch phát triển đàn và đảm bảo nguồn thức ăn cho cả đàn bò, Tập doàn TH cam kết khai hoang toàn bộ 13.000 ha ở Primorsky cho vùng nguyên liệu.

Cũng theo ông Hải, đến cuối năm 2027, khi nhà máy sữa được đưa vào hoạt động, nguyên liệu đầu vào sẽ được cung cấp 100% từ cụm trang trại. Chuỗi sản xuất khép kín ứng dụng công nghệ cao "từ đồng cỏ tới ly sữa" được hình thành, đóng góp cho sự tăng trưởng của tổng sản phẩm vùng Primorsky.

Ngoài chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, Tập đoàn TH còn trồng các loại cây như cỏ alfalfa, đậu tương để xuất khẩu tới các thị trường tiềm năng.

Ông Korenchuk Alexey Alexandrovich, Quận trưởng quận Yakovlevsky bày tỏ sự kỳ vọng vào những đổi thay của vùng đất này sau khi dự án TH đi vào hoạt động.

Đặc biệt, ông này cho biết rất ngạc nhiên khi được biết năng suất sữa bình quân mà trang trại TH đạt được là 40 lít sữa/con/ngày. Trong khi đó, năng suất trung bình bò sữa tại Nga hiện nay chỉ đạt 25-30 lít/con/ngày.

"Cảm ơn Tập đoàn TH đã triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa ở đây. Chắc chắn, dự án sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.Tại vùng Primorsky, dự án 6.000 bò sữa của TH là dự án chăn nuôi bò sữa có quy mô lớn nhất", ông Korenchuk Alexey Alexandrovich khẳng định.

Vinaconex rút khỏi dự án động lực tăng trưởng của Quảng Ninh

Theo công bố từ Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), doanh nghiệp dự tính chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh.

Phối cảnh dự án cảng quốc tế Vạn Ninh 

Số cổ phần dự kiến chuyển nhượng là 2 triệu cổ phần. Dự kiến giao dịch sẽ được hoàn tất trước ngày 20/06/2024.

Theo giới thiệu trên website của Vinaconex, CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1, với quy mô gần 83 ha. Tổng mức đầu tư dự kiến trong giai đoạn 1 của Dự án là hơn 2,2 ngàn tỷ đồng.

Cảng Vạn Ninh nằm trong chuỗi 4 dự án động lực tăng trưởng dài hạn của Quảng Ninh, là cảng biển có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20 ngàn tấn. Cảng đóng vai trò đầu mối gom và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, tiến độ dự án đang bị chậm, tổng khối lượng thực hiện các hạng mục đang rất thấp – theo Báo Quảng Ninh. Nhà thầu hiện mới cơ bản hoàn thành công tác nạo vét, bơm cát san lấp nền bãi dự án, thi công tuyến đê bao...

Lộc Trời hoàn tất thanh toán tiền nợ bà con nông dân

CTCP Tập đoàn Lộc Trời thông báo hoàn tất thanh toán tiền nợ mua lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 và gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân vì sự cố này.

Chủ tịch Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân vì nợ tiền lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 của bà con

Trong thông cáo phát đi chiều ngày 21/05, Lộc Trời thông báo đã hoàn tất thanh toán, trả nợ tiền lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 cho bà con nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, Công ty đang tái cấu trúc tài chính để tăng cường và ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia sâu "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao" được Chính phủ phê duyệt.

Vụ Đông Xuân 2023-2024, Lộc Trời đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư và dịch vụ nông nghiệp không tính lãi suất trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực ĐBSCL.

Giữa tháng 4/2024, Lộc Trời mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng. Tại An Giang, Công ty thu mua trên 120.000 tấn lúa, trị giá đạt gần 1.000 tỷ đồng. Tổng số tiền đã trả cho bà con nông dân hơn 2.000 tỷ đồng.

"Do có khoảng lệch về thời gian thanh toán nên đã gây ảnh hưởng đến bà con nông dân. Nguyên nhân xảy ra sự cố do có một số biến động từ các khách mua gạo và ngân hàng", đại diện Lộc Trời nhấn mạnh: Công ty thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa, nhưng vẫn không thu xếp kịp nguồn kinh phí.

Ngày 20/05, Lộc Trời phối hợp với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.

Thay mặt doanh nghiệp, Chủ tịch Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân vì sự cố trên, đồng thời chia sẻ sự cảm động trước tình cảm của bà con, sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Taseco Land vay ngàn tỷ để làm dự án khu công nghiệp tại Hà Nam

HĐQT CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) phê duyệt việc vay vốn dự án với giá trị hơn 1.707 tỷ đồng tại Ngân hàng VietinBank, chi nhánh TP. Hà Nội và Ngân hàng BIDV, chi nhánh Sở Giao dịch 1, thời hạn vay tối đa 60 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân đầu tiên. Lãi suất và phương thức vay theo quy định của ngân hàng.

Phối cảnh dự án khu công nghiệp Taseco Đồng Văn 3

Taseco Land cho biết mục đích vay vốn nhằm thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn 3, phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tỉnh Hà Nam.

Dự án có quy mô sử dụng đất 223 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2,3 ngàn tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp hơn 348 tỷ đồng, được thực hiện tại các phường gồm Yên Bắc, Tiên Nội, Hòa Mạc và các xã Tiên Ngoại, Yên Nam (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Quốc Cường Gia Lai muốn bán 2 nhà máy thủy điện

Quốc Cường Gia Lai có ý định bán hai nhà máy thủy điện là Ia Grai 2 và Ayun Trung với giá lần lượt 235 tỷ đồng và 380 tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong quý 2 và 3 năm 2024.

Nhà máy Ayun Trung có công suất lớn hơn, đạt 13 MW; nằm tại huyện Mang Yang và huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai

Cụ thể, HĐQT CTCP Quốc Cường Gia Lai đã thông qua việc chuyển nhượng nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung của công ty con là CTCP Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường (Công ty Thủy điện Quốc Cường, QCG nắm 90% vốn) cùng các tài sản thuộc hai nhà máy này để tái cơ cấu đầu tư.

Nhà máy Ia Grai 2 ở huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai có công suất 7,5 MW (gồm 2 tổ máy công suất 3,75 MW/tổ máy), được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2007, nhưng 10 năm sau đó mới được đưa vào vận hành.

Nhà máy Ayun Trung có công suất lớn hơn, đạt 13 MW; nằm tại huyện Mang Yang và huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, chính thức phát điện vào năm 2018.

Bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm sử dụng nguyên trạng lực lượng lao động của hai nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng và đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định. Phương thức thanh toán sẽ được các bên thỏa thuận cụ thể và thể hiện trong hợp đồng.

Việc thực hiện sẽ giao cho Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, bao gồm thương thảo và ký các hồ sơ liên quan.

Nếu bán thành công hai dự án theo giá trên, số tiền Quốc Cường Gia Lai thu về khoảng 615 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,4% tổng tài sản Công ty tính đến cuối quý 1/2024.

Trước đây, Quốc Cường Gia Lai từng đầu tư các dự án thủy điện với suất đầu tư khoảng 1,1 triệu USD cho mỗi MW. Theo đó, ước tính hai nhà máy thủy điện được đầu tư khoảng 23 triệu USD, chừng 460 tỷ đồng (tỷ giá 20.000 đồng/USD). Ngoài thủy điện Ayun Trung, Công ty Thủy điện Quốc Cường còn sở hữu thủy điện Pleikeo có công suất 13,5 MW.

Tin liên quan
Tin khác