Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. |
Trong bối cảnh lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310 - 315 tỷ m3/năm), nhưng sử dụng còn lãng phí, thách thức về an ninh nguồn nước đang là vấn đề lớn, theo đánh giá của Chính phủ.
Tiếp tục phiên họp thứ 10, sáng 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo này,
Một trong những điểm khá mới của báo cáo này là Chính phủ đã chỉ ra hạn chế trong sử dụng tài nguyên nước còn lãng phí, hiệu quả còn thấp so với các nước trong khu vực, nhất là trong nông nghiệp.
Nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất tăng nhanh, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ xảy ra thường xuyên hơn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất ở nhiều vùng, địa phương, báo cáo đánh giá.
Theo Chính phủ, tình trạng vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước vẫn còn xảy ra. Kết quả qua thanh tra, kiểm tra của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2021 đối với 183 tổ chức, cá nhân; phát hiện 40% số đối tượng được thanh tra, kiểm tra có hành vi vi phạm, như: không có giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước, vi phạm các nội dung trong giấy phép đã cấp…, đã xử phạt vi phạm hành chính 70 tổ chức, cá nhân, số tiền trên 4 tỷ đồng.
Lãng phí đất đai xảy ra ở nhiều nơi
Vẫn trong phạm vi quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, với đất đai, báo cáo nêu rõ tình trạng lãng phí đất đai được quan tâm chỉ đạo, rà soát, xử lý, đã thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất với diện tích 16.000 ha, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 53.000 ha, chấm dứt chủ trương đầu tư 7.700 ha.
Năm 2021 cũng công tác quản lý nhà nước về giá đất cũng được tăng cường, chấn chỉnh tình trạng giá đất ở một số địa phương, khu vực tăng đột biến gây hiện tượng sốt ảo ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế xã hội và triển khai các dự án đầu tư. Chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện tốt việc xác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất, đặc biệt là giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng. Nguồn thu từ đất năm 2021 đạt 172.250 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nội địa, cao gấp 3,5 lần năm 2015.
Tuy nhiên, Chính phủ đánh giá, vẫn còn tình trạng lãng phí đất đai như: đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Khiếu kiện về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Đáng chú ý là vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi: năm 2021 ngành tài nguyên và môi trường thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đối với 1.205 tổ chức, cá nhân, phát hiện 35% đối tượng được thanh tra, kiểm tra có vi phạm, chủ yếu là sử dụng đất không đúng mục đích; không sử dụng đất hoặc tiến độ thực hiện chậm; lấn chiếm đất đai; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, thủ tục hành chính về đất đai… đã xử phạt vi phạm hành chính 212 tổ chức, cá nhân với số tiền 14.072 triệu đồng, kiến nghị truy thu 15 tỷ đồng tiền sử dụng đất, thu hồi 31 ha đất; một số địa phương qua thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai kiến nghị xử lý 1.442,67 ha đất (trong đó thu hồi 392,62 ha đất), xử phạt 3,39 tỷ đồng.
Cổ phần hóa, thoái vốn vẫn ì ạch
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, một hạn chế cũ tiếp tục được Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội.
Đó là, năm 2021 không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có 4 doanh nghiệp cổ phần hóa (3 doanh nghiệp phụ thuộc thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè Nghệ An), với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng.
Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 1.404 tỷ đồng...
Nguyên nhân sự ì ạch trên được cho là do nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt, công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt; chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn.
Mặc dù, dệ thống cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ; kịp thời được sửa đổi, bổ sung làm cơ sở để các doanh nghiệp triển khai thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021. Nội dung này cũng sẽ được gửi Quốc hội tại kỳ hop thứ ba (tháng 5/2022).