Việc khởi công các dự án hôm nay đánh dấu một bước phát triển mạnh mẽ của KKTM Chu Lai, đặc biệt là của Thaco - doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư tại đây từ những ngày đầu thành lập.
Tham dự lễ khởi công các dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, bài học thực tiễn của Chu Lai cho thấy, để xây dựng một khu vực động lực kinh tế thành công cần hình thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh để thu hút, giữ chân doanh nghiệp, lôi kéo các nhà đầu tư mới, khuyến khích những khát vọng kinh doanh vươn ra biển lớn. Thaco là một ví dụ tốt về tư duy hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Tới đây, Chu Lai hứa hẹn sẽ là nơi đất lành chim đậu của các doanh nghiệp ngành gỗ. Với các nền tảng về công nghiệp cơ khí, phụ trợ sẵn có; cùng với các yếu tố hạ tầng được quy hoạch tốt như chợ giao dịch gỗ nguyên liệu, vùng nguyên liệu sẵn có, hệ thống cảng logistic và cách tiếp cận toàn diện, đi vào chế biến sâu, tạo ra các loại sản phẩm từ cây lâm nghiệp (gồm cả thân, cành, rễ lá…), chắc chắn các doanh nghiệp đặt nhà máy tại nơi này sẽ tiếp kiệm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất và tiêu thụ, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương.
1. Dự án KCN cơ khí và ô tô mở rộng có diện tích 115 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng là 1.600 tỷ đồng để thu hút, phát triển tiếp công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm giá thành và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô du lịch đạt trên 40%, đáp ứng điều kiện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN vào năm 2020. Đây là dự án thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp đã đề ra của tỉnh Quảng Nam và có ý nghĩa là động lực phát triển ngành cơ khí cho khu vực miền Trung nói riêng và của đất nước nói chung.
2. Dự án KCN Nông - Lâm nghiệp: Là KCN chuyên nông nghiệp tập trung mà chính yếu và trước mắt là cây ăn trái và cây lâm nghiệp nhằm thực hiện chuỗi giá trị xuyên suốt từ nghiên cứu phát triển giống cây trồng; công nghệ và kỹ thuật canh tác; thu hoạch, chế biến và phân phối, qua đó phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Khu công nghiệp này có diện tích 451 ha, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng 8.118 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022. Khu công nghiệp Nông – Lâm nghiệp có các chức năng là: Trung tâm nghiên cứu (R&D) (về giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sinh học, hữu cơ và kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến); các nông trường mẫu thực nghiệm sản xuất theo hướng công nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và quản trị số hóa trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho các loại cây ăn trái như: bưởi, mít, xoài và cây lâm nghiệp có giá trị cao, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu khu vực miền Trung; khu chăn nuôi thực nghiệm; sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ; khu kho lạnh tập trung chuyên dụng cho trái cây; Nhà máy chế biến trái cây các loại.
3. Dự án mở rộng và đầu tư xây dựng bến cảng 5 vạn tấn với chiều dài bến cảng là 790 m và tổng vốn đầu tư là 2.600 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 sẽ triển khai xây dựng và mở rộng 335m về phía hạ lưu với tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng nhằm đón nhận tàu có trọng tải lớn hơn đến 5 vạn tấn, đồng thời khai thác hàng xuất khẩu tạo nguồn hàng đối lưu cho các tuyến hàng hải quốc tế, qua đó giảm giá thành vận chuyển, góp phần thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai trong thời gian tới.
4. Khu nhà ở công nhân và tái định cư có diện tích gần 30 ha, tổng vốn đầu tư 2.760 tỷ đồng, có quy mô dân cư khoảng 5.000 người, số lượng nhà ở khoảng 1.220 căn, bao gồm: khu nhà ở; trường mầm non có quy mô 400 trẻ; đầy đủ các công trình tiện ích (sinh hoạt văn hóa, cộng đồng, hội họp, giao lưu, thể thao…) và công viên cây xanh tạo mỹ quan đô thị, nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ công nhân của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai, góp phần thực hiện an sinh xã hội tại địa phương, qua đó thu hút nguồn nhân lực đến với Quảng Nam.