. |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, toàn tỉnh hiện có 189 tàu cá cần lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng mới chỉ có 30 tàu được lắp đặt. Nguyên nhân do ngư dân gặp khó khăn khi sản lượng hải sản khai thác đạt thấp, giá bán hải sản giảm…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất chính sách hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Theo đó, mỗi tàu cá được hỗ trợ một lần, điều kiện hỗ trợ là tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, có đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản còn hiệu lực. Thiết bị lắp đặt phải là thiết bị mới 100% và được Tổng cục Thủy sản công bố. Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% chi phí mua, lắp đặt thiết bị cho một tàu cá nhưng không vượt quá 13.300.000 đồng/thiết bị/tàu. Chủ tàu cá thực hiện mua, hoàn thành lắp đặt thiết bị trên tàu từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020.
"Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân là hết sức cần thiết và phải thực hiện sớm" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định tại cuộc họp. UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện báo cáo, tờ trình để trình HĐND tỉnh, lưu ý các thông số kỹ thuật, điều kiện được hỗ trợ, không gây phiền hà cho ngư dân và tiến hành lắp đặt theo kế hoạch.
Chính sách này nhằm tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với khai thác thủy sản trên biển từ hệ thống giám sát tàu cá. Đồng thời, duy trì ổn định hoạt động sản xuất thủy sản cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với hải sản khai thác tại Việt Nam và hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai.