Những động thái trên cho thấy, sự rốt ráo trong thực hiện yêu cầu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra một cách quyết liệt trong Hội nghị Tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hồi tháng 3/2013. Với đề xuất này, một số nguyên tắc trong quản lý và phân cấp đầu tư sẽ được điều chỉnh.
| ||
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung quy trình thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ |
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung quy trình thẩm định đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bao gồm cả các dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và quốc gia, dự án sử dụng diện tích đất lớn.
Theo đề xuất, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chủ trì thẩm tra theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm tra cùng hồ sơ liên quan, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiến hành thẩm định độc lập dự án. Đối với dự án có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể tổ chức họp với cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong quy trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo thẩm định độc lập. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Nhà nước về đầu tư (SCCI) cho rằng, việc bổ sung quy trình thẩm định đối với các dự án đầu tư tầm quốc gia, dự án vượt quá khuôn khổ của một địa phương là cần thiết.
“Quy trình sẽ hoạt động như một màng lọc, loại bỏ ngay từ đầu những dự án có tác động tiêu cực tới nền kinh tế dựa trên những đánh giá tổng hợp từ Trung ương. Khi đó, tình trạng nhiều dự án quy mô lớn, dự án tỷ đô được cấp phép, nhưng không có tính khả thi, không triển khai thực hiện được như đã xảy ra trong những năm qua sẽ được kiểm soát chặt chẽ”, ông Mại nói.
Thực ra, theo quan điểm của GS-TSKH. Nguyễn Mại, hiệu quả của chủ trương phân cấp trong thu hút và quản lý FDI là rất lớn, song những tồn tại trong năng lực quản lý, trình độ cán bộ, sự khác biệt về quy mô kinh tế của các địa phương và nhất là sự yếu kém trong phối hợp giữa các địa phương, giữa địa phương với các cơ quan Trung ương, đã tạo nên những màu tối trong bức tranh thu hút FDI của Việt Nam trong giai đoạn qua.
Một trong những hệ lụy mà nền kinh tế đang phải gánh chịu, đó là số dự án chậm trễ, không triển khai được, bị buộc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Cùng với đó là hàng trăm ngàn héc-ta đất đã được giải phóng mặt bằng bị bỏ hoang, hàng loạt dự án ngoài quy hoạch xuất hiện trong các ngành thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng…, tạo nên gánh nặng cho cơ sở hạ tầng vốn cũng đang đỏ mắt tìm nguồn lực đề đầu tư hoàn thiện.
Tất nhiên, không dễ dàng chấm dứt ngay sự xuất hiện của các dự án không cần thiết, bởi lẽ đi kèm với quy trình thẩm định mới, cần sự hoàn thiện và thống nhất của hệ thống tiêu chí phục vụ quy trình thẩm định mới. Có thể kể ngay tới các tiêu chí về dự án quy mô lớn, có tác động tầm quốc gia, các công bố về điều kiện đầu tư - kinh doanh của các lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế, các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành…
“Trong quy trình mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có trách nhiệm nặng nề hơn rất nhiều”, ông Mại nhấn mạnh.
Bảo Duy