Tiêu dùng
Sản phẩm nông nghiệp cần “độc, lạ” để cạnh tranh bền vững
Nguyễn Linh - 24/12/2024 15:31
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nông sản Việt Nam cần tìm ra một "con đường tắt" để cạnh tranh với các quốc gia khác. Đó là nhắm đến các thị trường ngách - nơi mà sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có nhiều lợi thế.

Với 13 sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, rau quả, sắn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. 

Việt Nam đã ký kết nhiều nghị định thư với các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Gần đây nhất, vào ngày 19/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký kết 3 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu nuôi sang thị trường này.

Trước đó, Việt Nam cũng đã ký kết các nghị định thư khác với Trung Quốc để xuất khẩu các mặt hàng nông sản như sầu riêng tươi, thạch đen, khoai lang và tổ yến. 

Việt Nam đã ký kết nhiều nghị định thư với các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do đã mở ra nhiều cơ hội mới, tạo điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường khó tính. 

"Với sự đầu tư mạnh mẽ từ Nhà nước, cùng với nỗ lực không ngừng của các chuyên gia đàm phán và sự cải thiện vượt bậc về chất lượng sản phẩm, nông sản Việt Nam đã sẵn sàng chinh phục những thị trường khó tính nhất. Các chương trình rải vụ, tái canh đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ đó, các cuộc đàm phán đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mở ra triển vọng tươi sáng cho ngành nông nghiệp nước nhà”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, khó đáp ứng các yêu cầu về số lượng lớn của thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, quy định của thị trường nhập khẩu thay đổi liên tục, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác đòi hỏi ngành nông nghiệp Việt Nam phải đổi mới liên tục.

Để tận dụng tối đa các cơ hội, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp như: phát triển sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp. Việc xây dựng thương hiệu mạnh sẽ giúp nông sản Việt Nam tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng quốc tế và nâng cao giá trị sản phẩm. 

“Thời gian tới công tác đàm phán mở cửa thị trường còn khó khăn khi chúng ta chưa có sản phẩm mới để có thể đẩy mạnh xuất khẩu, do vậy chúng ta phải sớm có chiến lược phát triển các sản phẩm mới trong đàm phán sắp xuất khẩu sắp tới”, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Ông Hiếu dẫn chứng rằng trong quá trình đàm phán xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và các nông sản khác sang thị trường Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật đã đạt được sự thống nhất về các điều khoản thỏa thuận. Những điều khoản này không chỉ đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc mà còn phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất tại Việt Nam, mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. 

“Chúng ta mất trung bình từ 3 - 5 năm để đàm phán mở cửa thị trường cho một sản phẩm. Với sản phẩm yêu cầu kỹ thuật thì thời gian đòi hỏi kéo dài hơn, ví dụ như sầu riêng, để có thể tăng trưởng ấn tượng như hôm nay thì thời gian đàm phán mở thị trường mất rất nhiều thời gian. Từ những năm 2016, 2017 chúng ta đã xây dựng hồ sơ kỹ thuật và qua rất nhiều bước, nhiều khâu đàm phán mới có được kết quả như ngày nay.”, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói.

Ông Hiếu cho rằng chúng ta có thể rút ngắn thời gian đàm phán, nhưng nếu các đề xuất đưa ra không phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước thì ý nghĩa của việc rút ngắn này là không đáng kể. Vì vậy, đối với bất kỳ sản phẩm nào, quá trình đàm phán đều cần được nghiên cứu kỹ lưỡng từ trước. Cần chủ động tìm hiểu sản phẩm đó được sản xuất ra sao tại Việt Nam, đâu là biện pháp tối ưu và đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định của nước nhập khẩu để sẵn sàng đàm phán một cách hiệu quả.

“Khi chúng ta chủ động nghiên cứu và đàm phán, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Chỉ cần một thay đổi nhỏ nhưng hợp lý, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian, chi phí và tối ưu hóa quá trình xuất khẩu”, ông Hiếu khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác