Phiên thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh:Quochoi.vn). |
Chiều 3/4 , Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông - Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải nêu, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có điểm đầu giao với đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) tại km1.915 + 900, thuộc địa phận huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông; điểm cuối kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, thuộc địa phận thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài tuyến khoảng 128,8 km. Trong đó, chiều dài đường cao tốc khoảng 126,8 km; chiều dài đoạn tuyến kết nối từ nút giao với cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa khoảng 2 km. Dự án có 27,8 km qua địa phận tỉnh Đắk Nông, còn lại 101 km đi qua tỉnh Bình Phước. Đầu tư phân kỳ giai đoạn 1, Dự án sẽ có quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 25.540 tỷ đồng, bao gồm 12.770 tỉ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động.
Chính phủ đề xuất phân chia Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) thành 5 dự án thành phần (gồm 1 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP và 4 dự án thành phần đầu tư công).
Về tiến độ dự kiến, Dự án chuẩn bị đầu tư từ năm 2023, thực hiện Dự án từ năm 2024, phấn đấu hoàn thành Dự án năm 2026.
Các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với sự cần thiết đầu tư Dự án, cho rằng, sau khi hoàn thành cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ hình thành trục kết nối quan trọng, tạo không gian mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, việc đầu tư dự án theo phương thức PPP sẽ giúp tận dụng lợi thế về công nghệ, kinh nghiệm, năng lực quản lý và nguồn vốn của nhà đầu tư tư nhân, cũng như đáp ứng đòi hỏi của thực tế hiện nay, vì nhu cầu đầu tư công trong những năm tới là rất lớn. Mặt khác, kinh nghiệm từ thực hiện cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, cũng như một số đoạn cao tốc trên dự án đường cao tốc khác cho thấy, khi có sự kết nối lưu thông giữa các tuyến cao tốc trong một khu vực thì lưu lượng lưu thông sẽ tăng nhanh, bảo đảm phương án tài chính của chủ đầu tư..
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm hoàn thiện bộ hồ sơ, các tài liệu liên quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 32 tới.