Sáng ngày 5/4, tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Vũ Đại Thắng, đã chủ trì buổi tham vấn ý kiến của các Luật sư, doanh nghiệp, các hiệp hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp.
Bộ KH-ĐT tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, luật sư tại TP.HCM về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp |
Theo ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ban soạn thảo mong muốn tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề như phạm vi điều chỉnh đối với các hoạt động đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp; hoàn thiện một số khái niệm gây vướng mắc trong quá trình thực hiện luật. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về nguyên tắc, điều kiện sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh danh có điều kiện nhằm tránh tình trạng đề xuất bổ sung ngành, nghề tràn lan, không phù hợp với nguyên tắc quy định tại Luật Đầu tư.
Đối với Luật Doanh nghiệp nhằm tiến tới đơn giản hóa thành lập công ty, các quy định vẫn còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng khai vốn khống, vốn ảo. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp sẽ giải quyết những vướng mắc liên quan đến mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, đưa hộ kinh doanh vào luật doanh nghiệp và khái niệm về doanh nghiệp nhà nước....
Còn kẽ hở để doanh nghiệp vi phạm lợi dụng
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng, Luật doanh nghiệp hiện đã tiếp cận với được thế giới, thông thoáng hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm cẩn phải sửa đổi và quan tâm, đó là làm sao để quản lý tốt cho từng nội bộ doanh nghiệp.
Theo bà Mai, liên quan đến vấn đề hậu kiểm, phải có những quy định, những điều khoản làm sao để các doanh nghiệp hoạt động đúng và đảm bảo đúng định hướng.
Cũng theo bà Mai, hiện trên địa bàn TP.HCM, nhiều DN kinh doanh các lĩnh vực nhạy cảm như karaoke, massage đã lợi dụng kẽ hở để kinh doanh như thành lập doanh nghiệp mới ngay tại địa chỉ cũ, khi DN cũ bị cơ quan chức năng kiểm tra.... Nhiều doanh nghiệp chưa bị xử lý thì vội vàng giải thể rồi lại tiếp tục xin một giấy phép kinh doanh khác Trong khi đó, 5 điều kiện để thu hồi doanh nghiệp lại không rơi vào những trường hợp này.
“Đây là vấn đề gây bức xúc không chỉ cho cơ quan quản lý mà cho cả cộng đồng dân cư nơi các DN này hoạt động” bà Mai dẫn chứng.
Có nên duy trì chủ trương đầu tư?
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) đề xuất nên xem xét bỏ quyết định chủ trương đầu tư.
Cùng chung quan điểm này, Luật sư Mai Trần, đoàn luật sư TP.HCM thì cho rằng, về chấp thuận đầu tư, Luật nhà ở quy định rõ khi chấp thuận chủ trương đầu tư là do UBND cấp tỉnh thực hiện, tuy nhiên điều này chưa phù hợp với Luật Đầu tư vì DN muốn đầu tư phải lập dự án, tham gia đấu thầu, đấu giá, nhưng nếu thất bại thì DN không thể triển khai, chủ trương đầu tư phải thu hồi lại.
Cũng theo Luật sư Mai Trần, hiện nay đang có độ vênh giữa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh bất động sản... DN phải làm việc với nhiều cửa, nhưng “cửa Sở KHĐT thì tuân thủ các Luật Đầu tư, Luật DN. Cửa Sở Xây dựng và SởTài Nguyên Môi Trường thì lại theo Luật Đất đai... điều này gây khó khăn cho DN.
"Nên chăng có một cơ quan đủ mạnh để điều chỉnh, cân đối hoặc phân xử cho DN trong các tình huống này, tránh việc lãng phí thời gian, chi phí của DN khi chờ đợi triển khai dự án đầu tư”, Luật sư Mai Trần nêu.
Cùng chia sẻ quan điểm này, đại diện tập Tập đoàn Novaland thì cho rằng, liên quan đến vấn đề chấp thuận chủ tương đầu tư thì nên nhất quán giữa các sở ban ngành.
Một vấn đề khác cũng được nhiều DN đề cập là không nên hình sự hóa các vấn đề đầu tư. “Thực tế, doanh nghiệp luôn muốn làm đúng pháp luật chứ không muốn làm sai, nhưng khi xảy ra vấn đề gì đó thì thanh tra lại yêu cầu chuyển sang cơ quan điều tra khiến DN rất mệt mỏi”, đại diện Novaland kiến nghị.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia, luật sư và doanh nghiệp.
“Đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết và đi vào đúng những nội dung trọng tâm mà Ban soạn thảo đang cần để tổng hợp đưa vào nội dung sửa đổi lần này. Chúng tôi cũng mong muốn luật sư và doanh nghiệp chung sức cùng chúng tôi để kiện toàn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp để Luật thực sự đi vào đời sống, kiến tạo một môi trường hoạt động thông thoáng cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư”.