Các siêu thị chuẩn bị đủ hàng phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Ảnh: Đ.T |
Kịch bản nào cho nền kinh tế?
Nỗi lo ngại lớn nhất của nền kinh tế năm 2021 đã xảy ra, đó là sự bùng phát Covid-19. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế. Đó chính là lý do vì sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ngay lập tức cập nhật kịch bản tăng trưởng đối với từng quý, từng ngành và báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1 vừa qua.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong trường hợp Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
“Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 5,84%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) và mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%)”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Còn nếu để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
“Tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, tháng đầu năm 2021, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã cho thấy tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế. Chẳng hạn, xuất khẩu tăng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thực tế là, những rủi ro vẫn còn tiềm ẩn, khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 giảm 3,2% so với cùng kỳ, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 18.000 doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này một lần nữa cho thấy những ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của Covid-19.
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, vốn đầu tư nước ngoài trong tháng 1/2021 đã giảm mạnh so với cùng kỳ. Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh rằng, dịch bệnh tiếp tục là “trở ngại lớn” cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Rủi ro còn lớn, nên dù kịch bản kinh tế đã được điều chỉnh, song rất có thể, tình hình tiếp tục sẽ khác đi, một khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng.
Thần tốc hơn để thực hiện mục tiêu kép
“Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả trong nước và thế giới. Việc phổ biến vắc-xin chậm hơn dự kiến do sự thiếu hụt nguồn cung. Trong nước, đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng với biến chủng virus mới, có thời gian ủ bệnh ngắn và tốc độ lây lan rất nhanh. Điều này đòi hỏi Việt Nam càng phải thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện ‘mục tiêu kép’, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán”, báo cáo Chính phủ, cùng với việc cập nhật kịch bản mới của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết như vậy.
Dập dịch chính là yếu tố quan trọng nhất để duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Điều này đã được nhấn mạnh từ năm ngoái, chứ không phải tới tận bây giờ mới được nhấn mạnh. Bởi thế, để nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, nhiệm vụ quan trọng trước tiên là tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch Covid-19, không được chủ quan, có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, nhưng không được để hoảng loạn, với tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng này khi kết luận phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2021. Theo Thủ tướng, phải tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt chú trọng 3 không gian kinh tế, gồm kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.
Trước đó, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh việc các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Năm 2021, “cỗ xe” đầu tư đã một lần nữa được đặc biệt coi trọng. Để thúc đẩy đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng 1/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt trên 452.000 tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và cao hơn khá nhiều so với con số 73,7% đạt được của năm 2019. Giải ngân cao chính là một trong những lý do khiến kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giải ngân đầu tư công tiếp tục được coi là “chìa khóa” cho tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2021.