Ngân hàng - Bảo hiểm
Thận trọng phát hành công trái ngoại tệ; nhiều ngân hàng chuẩn bị phát hành cổ phiếu khủng
T.L - 07/11/2021 10:30
Huy động vốn bằng công trái ngoại tệ, biến động giá vàng, số hóa hoạt động cho vay, ngân hàng tiếp tục báo lãi quý III/2021, dự báo lợi nhuận quý IV… là những vấn đề nổi bật tuần qua.
Lượng ngoại tệ trong dân không còn nhiều do người dân đã chuyển sang tiền đồng để đầu tư các kênh khác hấp dẫn hơn.

Quá nhiều kênh đầu tư lợi suất cao, công trái không hấp dẫn

Bộ Tài chính đang thiết kế phương án phát hành công trái ngoại tệ để huy động nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong dân vào phát triển kinh tế do lãi suất huy động USD thấp (0%/năm), một lượng tiền USD vẫn nằm im trong két người dân mà chưa đưa vào lưu thông.  

Tuy vậy, theo các chuyên gia ngân hàng, công trái ngoại tệ có lãi suất thấp, kỳ hạn dài nên sẽ không hấp dẫn được người dân. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc, khác so với những năm 1980 - 1990, người dân hiện nay đang có quá nhiều kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, khởi nghiệp… Do đó, phát hành công trái ngoại tệ là khó khả thi. Nếu phát hành với lãi suất thấp sẽ không huy động thành công, trả lãi suất cao sẽ khiến tình trạng đô-la hóa tăng trở lại, đi ngược với chính sách chống đô-la hóa của Chính phủ và cũng gây áp lực nhất định lên tỷ giá.

Hơn nữa, lượng ngoại tệ còn trong dân hiện nay không còn nhiều, vì thời gian qua, tỷ giá ổn định, khiến đa phần lượng ngoại tệ trong dân dưới dạng kiều hối, cho tặng, kiếm được từ kinh doanh… đã được người dân quy đổi sang tiền đồng để chi tiêu, đầu tư.  

Cách tốt nhất để huy động vốn thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là phát hành trái phiếu chính phủ trong nước, vừa có lãi suất thấp, vừa tạo điều kiện hình thành đường cong lãi suất chuẩn. Trong trường hợp không vay được trong nước, thì lúc đó có thể vay các tổ chức nước ngoài. Hiện tại, ADB, WB… đều có cho vay phục hồi kinh tế với lãi suất khá thấp, thời hạn dài và điều kiện không quá khắt khe.          

Triển vọng giá vàng sáng sủa

Theo nhận định của giới chuyên gia, giá vàng từ nay đến cuối năm được đánh giá khá sáng sủa, với 2 động lực chính hỗ trợ giá là nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng đều trong xu hướng tăng. Giới phân tích tài chính dự đoán, vàng sẽ tiếp tục chịu áp lực trong môi trường thắt chặt của Fed, với nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm các biện pháp kích thích.

Diễn biến của giá vàng thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào động thái của Fed. Trường hợp Fed thu hẹp các biện pháp kích thích kinh tế, việc thu hẹp sẽ diễn ra từ từ. Nếu nền kinh tế diễn biến theo chiều hướng xấu đi, thì Fed có thể sẽ lùi thời điểm bắt đầu giảm dần chương trình hỗ trợ nền kinh tế đến cuối năm 2021 hoặc sang đầu năm 2022, đồng thời, chưa thể sớm tái tăng lãi suất USD. Vì vậy, vàng còn động lực tăng trong thời gian tới đây.

Đáng chú ý, theo đánh giá của giới phân tích tài chính, Fed sẽ không thể ngăn lạm phát gia tăng. Lạm phát gia tăng có thể dẫn đến lạm phát đình trệ khi tiêu dùng toàn cầu giảm. Hiện tại, các nhà đầu tư không hoàn toàn tin rằng, lạm phát đình trệ là kịch bản có thể xảy ra trong tương lai, nhưng điều này có thể nhanh chóng thay đổi. Lạm phát tăng sẽ giúp vàng tăng giá

Mặc dù vậy, hiện chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện vẫn rất cao (trên 9 triệu đồng/lượng), nên dù mặt hàng vàng còn triển vọng, song rót vốn vào vàng vẫn khá rủi ro. Đó cũng là một lý do làm giao dịch vàng ở thị trường trong nước khá trầm lắng.

Doanh nghiệp, ngân hàng chờ hành lang pháp lý số hóa khoản vay nhỏ lẻ

Chiếm tỷ lệ rất lớn song các khoản vay nhỏ lẻ lại khiến các ngân hàng, công ty tài chính tốn rất nhiều chi phí, nhân lực. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng, công ty tài chính muốn đẩy mạnh số hóa các khoản vay nhỏ lẻ (nhất là các khoản vay tín chấp). Mặc dù vậy, hành lang pháp lý hiện nay chưa cho phép.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc ngân hàng số BIDV cho hay, hiện chưa có quy định về hợp đồng tín dụng điện tử. Dù ngân hàng đã vận dụng linh hoạt các quy định hiện tại, song cũng chỉ mới số hóa hoàn toàn được với một số sản phẩm vay nhỏ lẻ. Còn với đa phần khoản vay, ngân hàng mới “số hóa một nửa (nộp đơn vay và một số giấy tờ online), còn bước quyết định để giải ngân, khách hàng vẫn phải trực tiếp ra quầy để ký chữ ký tươi, gặp mặt nhân viên ngân hàng và ngân hàng vẫn phải lưu trữ hồ sơ cứng.   

Chính vì chưa có quy định nào công nhận hợp đồng điện tử, chữ ký số, nên nếu xảy ra tranh chấp, ngân hàng vẫn đứng trước nguy cơ bị tòa án tuyên khế ước vô hiệu. Lãnh đạo ngân hàng, công ty tài chính cho rằng, để các tổ chức tín dụng mạnh dạn số hóa hoạt động cho vay nhỏ lẻ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng sửa đổi các quy định về giao dịch điện tử, đăng ký giao dịch đảm bảo trực tuyến, chữ ký số…

Theo mục tiêu mà NHNN đặt ra, đến năm 2025, tối thiểu 50% khoản vay nhỏ lẻ được số hóa hoàn toàn. Con số này đến năm 2030 là 70%. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tỷ lệ khoản vay nhỏ được số hóa hoàn toàn tại các ngân hàng vẫn còn khá nhỏ bé, do vướng mắc hành lang pháp lý.

Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng đang rất mong ngóng NHNN sửa thông tư trên theo hướng bổ sung các phương thức điện tử trong hoạt động thẩm định, phê duyệt tín dụng với khoản vay nhỏ. Đồng thời, phải có quy định về chữ ký điện tử đối với hoạt động cho vay.

Ngân hàng tiếp tục báo lãi quý III, dự báo tình hình kinh doanh quý IV/2021

Tuần qua, một số ngân hàng tiếp tục công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với kết quả kinh doanh trái ngược. Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) báo lãi trước và sau thuế đạt lần lượt hơn 783,9 tỷ đồng và hơn 670 tỷ đồng, gấp 7 lần và 8,5 lần cùng kỳ năm trước, bất chấp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của SCB là hơn 6.736 tỷ đồng, tăng hơn 243% so cùng kỳ năm trước.   

Trong khi đó, Eximbank lại có kết quả kinh doanh đi xuống do kết quả kinh doanh kém khả quan, chi phí dự phòng rủi ro lại tăng 88% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, Eximbank báo lãi trước thuế 966 tỷ đồng, giảm 12% so cùng kỳ, đạt 45% kế hoạch của cả năm (kế hoạch này chưa được ĐHĐCĐ thông qua, vì Eximbank chưa thể tiến hành thành công ĐHĐCĐ thường niên 2020 và 2021).

Như vậy, tính đến thời điểm này, tất cả ngân hàng niêm yết trên sàn đều đã công bố báo cáo tài chính quý III/2021. Tuần qua, nhiều ngân hàng đã gặp gỡ nhà đầu tư trao đổi về kết quả kinh doanh 9 tháng vừa qua, đồng thời đánh giá triển vọng thời gian tới.

Theo lãnh đạo VPBank, nhờ kết quả kinh doanh tích cực 9 tháng qua cộng với việc tăng vốn thành công, được tăng cường mạnh mẽ năng lực tài chính, có cơ sở để đầu tư mạnh hơn vào số hóa, cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh doanh khác, chuẩn bị sẵn sàng cho sự phục hồi tăng trưởng hậu Covid-19.

Tương tự, lãnh đạo VIB cho hay, thu nhập lãi thuần (NII) và biên độ lãi ròng (NIM) quý III của ngân hàng giảm nhẹ trong quý 3 do đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, NII và NIM của VIB dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong quý IV khi phần lớn các khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ.

Đánh giá về cơ hội tăng trưởng trong tương lai, lãnh đạo VIB khẳng định, ngân hàng đã vượt qua những thách thức từ đại dịch và có chiến lược tận dụng các cơ hội từ điều kiện bình thường mới để tạo bứt phá tăng trưởng ngay trong quý 4 này, với lợi nhuận dự kiến quý IV của ngân hàng đạt mức kỷ lục.  

Nhiều ngân hàng chuẩn bị phát hành cổ phiếu khủng, ghi nhận nhiều khoản thu nhập lớn

Từ ngày 18/11-8/12/2021, Ngân hàng TMCP ABBank sẽ nhận tiền mua cổ phiếu từ đợt phát hành hơn 114,26 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, ABBank chào bán hơn 114,26 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong quý IV/2021, tỷ lệ phát hành 20%. 

Cùng với đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu này, ABBank đã hoàn tất hồ sơ nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện phát hành hơn 11,426 triệu cổ phần tương đương 2% vốn điều lệ hiện tại dành cho cán bộ nhân viên theo Chương trình ESOP.

Ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBank sẽ tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa thông báo ngày chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, ngày 12/11/2021 là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10,5% và mua cổ phiếu phát hành với tỷ lệ 100:28, giá mua 12.500 đồng/cổ phiếu theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán  Nhà nước. 

Tuần qua, VietinBank cũng tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, bầu thành viên HĐQT mới ông Lê Thanh Tùng ,Trợ lý nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương vào HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024. Đại hội cũng thông qua việc niêm yết trái phiếu VietinBank phát hành ra công chúng trên hệ thống giao dịch chứng khoán. 

Lãnh đạo VietinBank cũng cho biết, thu nhập từ hợp đồng bancassurance với Manulif dự kiến sẽ được ghi nhận trong quý 1/2022. Ngoài ra, việc thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết dự kiến triển khai trong quý 1 hoặc quý 2/2022.

Tin liên quan
Tin khác