Thời sự
Tháng 11/2021: Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc
Hà Nguyễn - 30/11/2021 09:50
Tháng 11/2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2021, Tổng cục Thống kê cho biết, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11/2021 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Mức tăng IIP 3,6% tuy ở mức thấp, nhưng theo Tổng cục Thống kê, vẫn cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Điều đó cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tích cực hơn.


Trong mức tăng chung của ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,4%), đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Theo Tổng cục Thống kê, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 11 tháng năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, thép cán - tăng 35,4%; linh kiện điện thoại - tăng 33,8%; xăng dầu các loại - tăng 13,3%; sữa bột - tăng 12,6%; sắt, thép thô - tăng 10,7%; khí hóa lỏng LPG - tăng 10,6%...

Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước. Giảm mạnh nhất là tivi các loại, giảm tới 40,3%. Tiếp đó, là khí đốt thiên nhiên dạng khí - giảm 18,4%; đường kính - giảm 8,5%; bia các loại - giảm 7,8%; dầu mỏ thô khai thác - giảm 6,5%; thủy hải sản chế biến và thức ăn cho thủy sản - cùng giảm 3,9%.

Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tích cực hơn, và do vậy, 47 địa phương có IIP 11 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số địa phương tăng khá cao. Chẳng hạn, Ninh Thuận tăng 26,8%; Đắk Lắk tăng 26,3%; Hải Phòng tăng 18,5%; Thanh Hóa tăng 16,5%...

Tuy nhiên, vẫn có 16 địa phương trong cả nước có IIP sụt giảm khá mạnh. Đây là các địa phương chịu tác động lớn của dịch bệnh Covid-19.

Chẳng hạn, TP.HCM giảm 15,5%; Trà Vinh giảm 12%; Cần Thơ giảm 10,4%; Đồng Tháp giảm 8,7%...

Sự sụt giảm này, đặc biệt ở đầu tầu kinh tế TP.HCM, đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng IIP chung của cả nước, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp phục hồi nên số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2021 đã tăng 3,3% so với cùng thời điểm tháng trước. Tuy vậy, vẫn còn giảm 2,6% so với cùng thời điểm năm trước. Điều này cho thấy, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn.

Tin liên quan
Tin khác