Theo đó, dự án có quy mô diện tích 45,45 ha, trong đó dự kiến vùng nguyên liệu là 2 mỏ đá vôi ở xã Tân Trường (Tĩnh Gia) và Thanh Kỳ (Như Thanh). Nếu được chấp thuận, chủ đầu tư sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xi măng có tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, chia thành 2 giai đoạn với tổng công suất 1.200 tấn clinker/ngày, tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm.
Tuy nhiên, vấn đề này khi đưa ra thảo luận đã được lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cân nhắc bởi có một số ý kiến thảo luận cho rằng, cần xem xét thấu đáo hoặc chưa nên đồng ý với đề xuất đầu tư dự án này, bởi trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ không có nhà máy xi măng này.
Một số ý kiến cũng chỉ ra, bối cảnh hiện nay, công suất sản xuất xi măng cả nước đang dư thừa so với nhu cầu nên phải cân nhắc, có thể lùi thời gian đầu tư nhà máy này sau năm 2021.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu trong buổi thảo luận. |
Trái lại, cũng có một số ý kiến cho rằng, đây là dự án có vốn đầu tư lớn, giúp khơi dậy tiềm năng vùng núi đá vôi Tân Trường với đời sống kinh tế chưa mấy phát triển. Mặt khác, dự án cũng là điểm nhấn trong thu hút đầu tư của tỉnh, giúp ngân sách tỉnh có thêm nguồn thu thuế từ dự án khoảng từ 120 - 150 tỷ đồng mỗi năm, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương...
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định luôn chào đón các nhà đầu tư vào địa bàn. Tuy nhiên, để bảo đảm các quy định và phát triển bền vững, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng – đây cũng là cách hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên cơ sở tính toán thấu đáo mọi vấn đề để tránh rủi ro hay những vướng mắc cho doanh nghiệp sau này. Đề nghị các sở ngành, ban chức năng tiếp tục nghiên cứu thấu đáo mọi vấn đề liên quan, hoàn chỉnh hồ sơ trình lãnh đạo xem xét.