Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 567 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,6% so với cùng kỳ (tăng 45 DN); có 44 doanh nghiệp giải thể.
Con số này kéo giảm tổng nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp, với chỉ 2.933,7 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thành Hoá, từ năm 2017 đến nay, số doanh nghiệp hiện đang hoạt động là 15.900; số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 499; doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.262.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, những doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Trong ảnh: Công ty trách TNHH dịch vụ thương mại Sang Dung vừa giải thể |
Nguyên nhân các doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động chủ yếu là do khó khăn về tài chính. Sau yếu tố tài chính hạn hẹp là yếu tố con người. Năng lực quản lý, điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới thành lập còn hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kinh nghiệm điều hành khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng đi xuống.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ không có cũng là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể. Riêng năm 2020, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, những doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành kế hoạch số 164/KH-UBND về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2021.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên. Từ đó, nâng cao kỹ năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật, ứng dựng công nghệ, xây dựng thương hiệu... giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.