Tài chính - Chứng khoán
Thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để chặn hiện tượng lừa đảo
Mạnh Bôn - 30/03/2021 18:45
Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến lĩnh vực này.

Bộ Tài chính vừa có ý kiến chính thức về một số vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như tiền ảo, thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, xăng dầu tăng giá…

Thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo 

Liên quan đến hiện tượng lừa đảo trong việc mua bán tiền ảo, Bộ Tài chính cho biết đã có thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Do vậy, hoạt động mua bán, trao đổi tiền ảo do một số cá nhân thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Theo Bộ Tài chính, không phải trong thời gian gần đây khi mà hiện tượng lừa đảo trong việc mua bán tiền ảo có xu hướng gia tăng, Bộ Tài chính mới lên tiếng về vấn đề này, mà ngay từ đầu năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra. Thậm chí, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán không được phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Hiện Tổ nghiên cứu đã bước đầu triển khai nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (đơn vị chủ trì Tổ nghiên cứu), cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về “Xây dựng khuôn khổ pháp lý quản lý tài sản mã hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam” nhằm đưa ra những đề xuất ban đầu đối với vấn đề quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa trong thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xuất với Chính phủ cơ chế quản lý, giám sát các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo, hướng tới cân bằng giữa mục tiêu sáng tạo, tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh cho thị trường tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như các thành viên khác tham gia thị trường.

Còn hiện tại, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo, đồng thời tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo chưa được pháp luật quy định.

Thương mại điện tử nộp hơn 2.442 tỷ đồng tiền thuế

Trong thời gian gần đây, có không ít cá nhân có thu nhập hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng/tháng nhờ kinh doanh trên các nền tảng công nghệ như Youtube, Facebook... nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước khiến dư luận bức xúc.

Về nội dung này, Tổng cục Thuế cho biết, để triển khai việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử, Tổng cục Thuế đã gửi công văn tới Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và  Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Trong nội bộ ngành thuế, Tổng cục Thuế khẳng định, cục thuế các địa phương đã triển khai có hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT thông qua hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự khai thuế, nộp thuế; phối hợp với các sở ban ngành, ngân hàng thương mại và các cơ quan có liên quan để khai thác thông tin, từ đó đôn đốc người nộp thuế khai, nộp thuế; thực hiện thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động và có liên quan trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.

Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2016 đến hết năm 2020, tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài đã khấu trừ nộp vào ngân sách nhà nước thay cho tổ chức nước ngoài với số thuế thu từ quảng cáo trên sản phẩm nội dung thông tin số hơn 2.442 tỷ đồng.

Trong thời gian vừa qua, cục thuế các địa phương đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại trong việc kiểm soát luồng tiền từ nước ngoài chuyển về cho tổ chức, cá nhân đồng thời với tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ và triển khai các biện pháp thanh tra, kiểm tra nên đã thu về cho ngân sách nhà nước (tiền thuế và tiền phạt vi phạm hành chính thuế từ cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên các trang web, Facebook, Youtube… ) là 240,89 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội thu 148 tỷ đồng, TP.HCM thu 68,55 tỷ đồng, Đà Nẵng thu 24,33 tỷ đồng.  

Không để “té nước theo… giá xăng dầu”

Tại phiên họp báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều khả năng giá xăng dầu năm nay tăng khả năng tăng 40%

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I/2020 tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lai đây (tăng 0,29%); CPI tháng 3/2021 thậm chí còn giảm 0,27% so với tháng 2/2021, nhưng trước việc giá bán lẻ xăng dầu tăng liên tục (5 lần) kể từ đầu năm đến nay không khỏi khiến người dân lo ngại lạm phát sẽ bùng phát do tình trạng “té nước theo…giá xăng dầu” của một số loại hàng hóa, dịch vụ.

Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu tăng giá gây áp lực trực tiếp lên hoạt động giao thông, vận tải. Và nhìn chung, việc giá xăng dầu tăng có tác động gián tiếp nhất định đến giá một số hàng hóa, dịch vụ thông qua chi phí vận chuyển, vận tải hàng hóa nhưng đều nằm trong kịch bản đã được các bộ ngành dự báo, tính toán. Với các biện pháp quyết liệt đã triển khai, về cơ bản không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, tăng giá bất hợp lý theo giá xăng dầu.

Để đảm bảo kiểm soát chung mặt bằng giá cả thị trường, nhất là để hạn chế tác động trước diễn biến giá xăng dầu có xu hướng tăng, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp với bộ ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các kịch bản điều hành giá cụ thể cho thời gian trọng điểm quý I cũng như cho cả năm 2021. Và kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý, “té nước theo mưa” khi giá xăng dầu tăng hoặc tăng giá trong vào dịp cao điểm, tới đây là Kỳ nghỉ lễ 30/4-1.5.

“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành, địa phương tiếp tục triển khai việc theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra để tiếp tục kiểm soát tốt mặt bằng giá, góp phần ổn định đời sống người dân, hỗ trợ cho tăng trưởng và điều hành kinh tế vĩ mô.    

Tin liên quan
Tin khác