Mở thêm cơ hội …
Nghị định số 52/2020/NĐ-CP, ngày 27/4/2020 của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2020. Đây là nghị định đầu tiên của Chính phủ liên quan đến lĩnh vực sân golf và được đánh giá là cơ hội cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực còn nhiều tiềm năng này.
Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Golf Trường An cho biết, Nghị định 52 đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư, gỡ được nhiều “điểm chết” mà các quy định về sân golf trước kia như Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 hay Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 26/5/2014 chưa thể giải quyết được.
Bằng chứng là thời gian vừa qua, hàng chục sân golf được các nhà đầu tư xí phần, nhưng không triển khai thi công mà “giữ chỗ” hàng chục năm gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến hoạt động phát triển, đầu tư tại địa phương đó. Trong khi, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực muốn xây dựng sân golf cũng không được vì phải chờ Chính phủ phê duyệt quy hoạch.
“Một số dự án sân golf đang vướng quy hoạch về đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Cấp tỉnh không được phép quyết định và khi tỉnh trình lên thì các bộ, ngành lại không dám trình Thủ tướng, đây là điều bất cập. Nhưng khi Nghị định 52 có hiệu lực thì vấn đề này được giải quyết. Cấp tỉnh chủ động trong việc bố trí quỹ đất phát triển sân golf, trình trực tiếp Chính phủ và đủ điều kiện thì thực hiện dự án theo quy định của pháp luật”, ông Dĩnh cho biết.
Đồng quan điểm này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, Nghị định 52/2020 đã đưa ra hướng quản lý hoạt động đầu tư sân golf phù hợp hơn, trong đó giao quyền quyết định việc đầu tư dự án về cho các địa phương, cởi mở hơn với việc lựa chọn nhà đầu tư.
Nếu trước đây sân golf thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ thông qua các quyết định quy hoạch, tức là căn cứ vào quyết định của Chính phủ và phải chờ Chính phủ đưa vào danh sách quy hoạch mới được làm, thì bây giờ, tỉnh nào cũng được làm sân golf, miễn là căn cứ vào Luật Đầu tư và nhà đầu tư đủ điều kiện thì thực hiện.
“Đặc biệt, việc các tỉnh chủ động trong việc bố trí khu đất tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu của Nghị định 25/2020/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư sân golf. Nghị định này đã đưa sân golf trở thành loại hình kinh doanh có thủ tục đầu tư như gần tương tự như các loại hình kinh doanh khác. Đây chính là những thay đổi tích cực trong quản lý và thủ tục, nên sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong xây dựng phát triển sân golf, đầu tư phát triển du lịch, kích cầu phát triển kinh tế”, luật sư Phượng phân tích.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc quản lý sân golf theo điều kiện kinh doanh sẽ đảm bảo vừa tuân thủ các nguyên tắc của cơ chế thị trường, vừa có đầy đủ các công cụ quản lý nhà nước, qua đó có thể phát huy tối đa hiệu quả, tiềm năng của lĩnh vực kinh doanh này, đồng thời tránh được việc lạm dụng, sử dụng không hiệu quả quỹ đất, gây ra các hệ lụy và tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế - xã hội.
Nhưng cũng thanh lọc nhà đầu tư
Dù cơ hội đã mở hơn cho các nhà đầu tư, nhưng việc kinh doanh sân golf sẽ được quản bằng các điều kiện chặt chẽ. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 52/2020/NĐ-CP, sân golf chỉ được xây dựng tại các địa điểm đáp ứng được các điều kiện như phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định.
Nghị định này nêu rõ, các loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf bao gồm: đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất rừng, đất trồng lúa (trừ trường hợp quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều này); đất thuộc các khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng…
Ngoài ra, đất thuộc phạm vi bảo vệ đê điều và hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật Đê điều, Luật Tài nguyên, môi trường và hải đảo cũng không được sử dụng để xây dựng sân golf.
Một loại đất khác cũng nằm trong danh sách những loại đất không được sử dụng để xây dựng sân golf là đất xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghệ cao.
Đặc biệt, trong việc lựa chọn nhà đầu tư, Nghị định 52 cấm đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf khi việc này chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; hoặc lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép.
Ngoài ra, nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng 3 điều kiện. Đó là, đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư. Nhà đầu tư cũng phải có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân golf và người lao động tại địa phương.
Đồng thời, nhà đầu tư phải tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường khi xây dựng sân golf.
Mặt khác, nếu trước đây hàng loạt sân golf nghiễm nhiên chậm tiến độ hoặc sai phạm, thì Nghị định 52 đã loại bỏ nhà đầu tư năng lực kém bằng thời hạn thực hiện dự án. Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng với sân 18 hố tiêu chuẩn và không quá 48 tháng đối với sân golf khác kể từ ngày được quyết định cho thuê đất.
Nhận định về các điểm mới này, ông Trần Văn Dĩnh cho rằng, Nghị định 52 đã mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư, nhưng cũng loại bỏ được nhiều nhà đầu tư có năng lực kém. Cụ thể, nếu như trong thời gian quy đinh nêu trên mà doanh nghiệp không tiến hành thi công, thì buộc phải trải lại dự án, coi như giấy phép đầu tư dự án sân golf đó không còn giá trị. Thậm chí, cần phải quy định thời gian thi công ngắn hơn nữa. Vì khi đó, doanh nghiệp không đủ năng lực về tài chính, không có khả năng để làm sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Tránh tình trạng cứ xin dự án, nhưng để cả chục năm vẫn không thi công.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên đầu tư tràn lan sân golf, mà cần phải có định hướng trước. Tránh tình trạng nhiều tỉnh, nhiều nhà đầu tư cứ xin như trước nhưng không thực hiện. Ngay ở Hà Nam có 2 dự án được phê duyệt trước đây nhưng không thực hiện, trong khi 2 dự án bổ sung vào quy hoạch lại triển khai. Đây thực sự là tình trạng “giữ chỗ” của các nhà đầu tư năng lực kém. Do đó, Chính phủ cũng nên có chế tài mạnh đối với những trường hợp như thế này”, ông Dĩnh nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Hà Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần QNK (chủ đầu tư dự án sân golf Yên Dũng, Bắc Giang) cũng cho biết, việc khống chế thời gian thi công dự án tại Nghị định 52 đối với các nhà đầu tư sân golf là hợp lý. Điều này loại bỏ được các nhà đầu tư năng lực kém, dẫn đến chậm tiến độ dự án gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến việc đầu tư, phát triển chung của địa phương. Thậm chí, nếu có đất sạch, thời gian thi công của nhà đầu chỉ khoảng 18 tháng là hoàn thành dự án.
Đồng quan điểm này, luật sư trần Đức Phượng cũng cho rằng, các điều kiện về lựa chọn nhà đầu tư trong Nghị định 52 đã siết chặt hơn đối với điều kiện, năng lực làm sân golf của các nhà đầu tư. Điều này tạo điều kiện cho các dự án được thực hiện đúng tiến độ đáp ứng như cầu phát triển chung của địa phương. Đồng thời, sẽ kết nối với chiến lược phát triển du lịch, kích cầu kinh tế của địa phương có dự án sân golf.